Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Viettel ký kết triển khai chuyển đổi số toàn diện
Ngày cập nhật 25/10/2021

Chiều ngày 25/10/2021 tại Văn phòng UBND tỉnh đã diễn ra buổi lễ ký kết triển khai chuyển đổi số toàn diện giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Viettel.

Tham dự lễ ký kết, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel có đồng chí Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, cùng các đồng chí trong Ban giám đốc tập đoàn, lãnh đạo các Công ty, đơn vị thành viên và Chi nhánh tại Thừa Thiên Huế.

Thời gian qua, quá trình hợp tác giữa Tập đoàn Viettel và UBND tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hợp tác xây dựng, vận hành và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh tiến tới hợp tác trong tiến trình chuyển đổi số trong thời gian sắp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Lễ ký kết

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh Thừa Thiên Huế đã xác định con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh. Với mục tiêu tới năm 2025: 100% các tiêu chí về hoàn thiện chính quyền số được triển khai hoàn thiện; kinh tế số chiếm từ 15 - 20% tổng sản phẩm GRDP; giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, Chỉ số chuyển đổi số.

Để thực hiện thành công những mục tiêu đó và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thừa Thiên Huế rất cần sự chung tay, giúp sức của các Tập đoàn công nghệ lớn, có kinh nghiệm. Với những thành tựu hợp tác trong hơn 5 năm qua, UBND tỉnh mong muốn tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Viettel nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi tổng thể và toàn diện từ cơ quan nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số; phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về chuyển đổi số. 

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu tại Lễ ký kết

Đồng chí Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel thay mặt lãnh đạo Tập đoàn cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Phát huy các kết quả đã đạt được, đồng chí mong muốn trong thời gian tới, hai bên cùng nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nội dung mà hai bên đã đặt ra cụ thể trong nội dung ký kết lần này.

Với nguồn lực và thế mạnh riêng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, hai bên xác định nhiệm vụ hợp tác trọng tâm:

1. Hỗ trợ, phối hợp xây dựng chiến lược chuyển đổi số

- Đánh giá mức độ trưởng thành số của tỉnh.

- Xây dựng chiến lược, lộ trình triển khai chuyển đổi số

- Tham gia hỗ trợ xây dựng đề án Chuyển đổi số: Tập đoàn Viettel sẽ cử chuyên gia nhiều kinh nghiệm tham gia, hỗ trợ, phối hợp cùng tỉnh xây dựng đề án Chuyển đổi số, hoặc cử chuyên gia tham gia vào các hội đồng thẩm định, phản biện chương trình, dự án, đề án về công nghệ thông tin, đô thị thông minh, chuyển đổi số theo nhu cầu của tỉnh.

2. Hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số

- Xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ hiện đại, liên thông, an toàn đáp ứng phục vụ phát triển chính quyền điện tử,  chuyển đổi số, thành phố thông minh. Cụ thể: Hạ tầng mạng viễn thông 5G, hạ tầng Internet vạn vật (IoT), hạ tầng băng thông rộng, Trung tâm dữ liệu và an toàn, an ninh thông tin.

- Trước mắt, Tập đoàn Viettel ưu tiên xây dựng hạ tầng viễn thông, triển khai mạng 5G thử nghiệm trong năm 2021 tại một số khu vực trong thành phố Huế và một số khu vực trọng điểm tạo điều kiện thuận thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Tập đoàn Viettel chia sẻ dùng chung hệ thống cống bể cáp, xây dựng trạm BTS ngụy trang, thân thiện với môi trường, kết hợp với điểm thông tin công cộng để cung cấp dịch vụ cho người dân, du khách và bảo đảm mỹ quan đô thị.

- Tập đoàn Viettel triển khai hạ tầng viễn thông ngầm tại các khu đô thị, khu công nghiệp, tòa nhà, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.

3. Chính quyền số

- Ứng dụng đô thị thông minh và chuyển đổi số đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh Thừa Thiên Huế, các ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các ngành, các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tiếp tục cập nhật, hiệu chỉnh, hoàn thiện các ứng dụng đã hợp tác triển khai trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là Phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp CQT (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội tỉnh đồng thời kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến Trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Phát triển Nền tảng trao đổi định danh của CQT và tích hợp xác thực với nền tảng điện tử quốc gia (NIXA) hướng tới xây dựng mô hình liên hiệp định danh, tận dụng tối đa các hình thức xác thực điện tử hiện có để tiết kiệm thời gian, chi phí triển khai. Nâng cấp hệ thống hồ sơ y tế điện tử, hệ thống y tế xã phường, cơ sở dữ liệu giáo dục.

- Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế; triển khai các giải pháp về Cơ sở dữ liệu và các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, Trung tâm Giám sát và điều hành đô thị thông minh; xây dựng huyện chuyển đổi số thí điểm; Xây dựng Trung tâm IOC cấp sở, cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Triển khai các ứng dụng thông minh có áp dụng mô hình, công nghệ mới để giải quyết một số bài toán tại Thừa Thiên Huế theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về phạm vi, không gian và thời gian thử nghiệm (sandbox); thí điểm sử dụng sản phẩm công nghệ mới của Viettel trên địa bàn thành phố để Viettel hoàn thành sản phẩm, đưa ra thị trường.

- Hỗ trợ tích hợp các nền tảng, ứng dụng đang triển khai cho các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là nền tảng phòng chống dịch COVID-19 (như Nền tảng quản lý tiêm chủng, Sổ sức khỏe điện tử,...) với các ứng dụng của tỉnh Thừa Thiên Huế để liên thông, chia sẻ dữ liệu.

- Cử các chuyên gia của Tập đoàn Viettel tham gia đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyển đổi số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

4. Xã hội số

- Lĩnh vực y tế: Triển khai một số nền tảng thông minh cho ngành y tế như: Nền tảng Tư vấn, khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa Telehealth/Telecare; Ứng dụng điều hành y tế thông minh.

- Lĩnh vực giáo dục: Triển khai một số nền tảng thông minh cho ngành giáo dục như: Nền tảng trường học trực tuyến, Nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến; Ứng dụng điều hành giáo dục thông minh.

5. Kinh tế số

- Lĩnh vực du lịch: Triển khai các ứng dụng du lịch thông minh như Thẻ du lịch thông minh; hệ thống phân tích dữ liệu và dự báo phát triển ngành du lịch; Mạng xã hội du lịch...

- Lĩnh vực giao thông vận tải: Nghiên cứu ứng dụng chip thu phí không dừng thế hệ mới thí điểm phục vụ công tác thu phí đậu đỗ trên các tuyến đường của thành phố và một số dịch vụ, tiện ích giao thông liên quan khác; hoàn thiện công nghệ thu phí bảo đảm quản lý hiệu quả.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

- Phát triển hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của CQT và kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.

- Xây dựng hệ thống thẩm định an ninh mạng, kiểm tra an ninh mạng, đánh giá điều kiện an ninh mạng, giám sát an ninh mạng, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Luật An ninh mạng.

Hai bên thống nhất Thường xuyên tổ chức và duy trì các cuộc làm việc giữa lãnh đạo của hai Bên để đảm bảo các nội dung hợp tác được thực hiện theo đúng thỏa thuận của Thỏa thuận hợp tác. Định kỳ hàng năm tổ chức cuộc họp để đánh giá kết quả hợp tác. Đối với các chương trình lớn sau khi tỉnh triển khai tổng kết rút kinh nghiệm và có chế độ khen thưởng kịp thời đối với đơn vị, cá nhân có thành tích trong các hoạt động hợp tác. Cùng tổ chức phối hợp hành động và thống nhất trên cơ sở lập kế hoạch thực hiện tổng thể và chi tiết từng nội dung cụ thể, bao gồm cả việc dự báo, đánh giá các yếu tố thuận lợi, rủi ro để thống nhất các biện pháp, phương án giải quyết nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Trước đó, chiều cùng ngày, Đoàn công tác do đồng chí Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Tiếp và làm việc cùng đoàn có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đồng chí Bùi Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm IOC.

Một số hình ảnh tại Lễ ký kết: 

 

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh Đoàn công tác thăm và làm việc tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh

 

 

 

 

 

 

Dương Văn Sỹ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.443 khách