Có thể thấy rằng, phong cách là cách thức, lối làm việc và cách sống riêng của mỗi người. Phong cách không phải là bẩm sinh, mà nó phải trải qua một quá trình nhận thức và rèn luyện lâu dài của con người trong môi trường xã hội, thể hiện ở cách thức, lề lối tiến hành và giải quyết công việc của một con người cụ thể.
Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi bật lên ở tác phong quần chúng. Người thường yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân” không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Câu chuyện về tác phong quần chúng của Bác năm 1961 càng thể hiện sự gần gũi của Người với quốc dân, đồng bào. Khi về thăm lại Pắc Pó, Cao Bằng, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Bác nói: “Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi”. Khi đi thăm dân, Người không muốn có nhiều bảo vệ vì nhân dân đã bảo vệ Người rồi. Người gặp gỡ bà con nông dân ngay trên đồng ruộng, bỏ dép, sắn quần, lội nước nơi bà con đang cấy, hoặc cũng tát nước như một lão nông dân quen thuộc việc đồng áng. Đi thăm tàu bộ đội hải quân, Người cầm lái cũng không khác một lão thủy thủ lão luyện. Như vậy, tác phong quần chúng bình dị ấy như có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, cũng bình dị, tự nhiên như họ vẫn sống hàng ngày. Tác phong ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thì có thể lắng nghe và hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh.
Như vậy, tác phong quần chúng không chỉ là tác phong cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân mà còn là tác phong của cấp trên với cán bộ, đảng viên là thuộc cấp của mình. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Từ đó, rút ra được những điều bổ ích góp phần làm phong phú kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho nâng cao hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, việc sâu sát với thực tế cơ sở và quần chúng để nắm bắt tình hình thực tiễn, từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với lòng dân và sự phát triển của thực tiễn khách quan. Đây là yếu tố rất quan trọng trong tác phong của một người lãnh đạo, ngoài việc nắm bắt những thông tin qua báo chí, từ báo cáo của các ngành các địa phương. Việc luôn lắng nghe những kiến nghị, suy nghĩ của quần chúng sẽ giúp tìm ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, những gợi ý thiết thực, từ đó đưa ra cách thực hiện phù hợp với thực tế. Do đó, rèn luyện phong cách quần chúng trong công tác luôn là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời, việc tu dưỡng rèn luyện tác phong quần chúng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp biểu hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:
- Biết cách làm việc, cách tổ chức phong trào phù hợp với quần chúng.
Đối với đội ngũ cán bộ, hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả. Để làm được như vậy, cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng để học cách nói, cách viết sao cho hợp với quần chúng, và quan trọng hơn đó là biết giải quyết những vấn đề thiết thực có liên quan cụ thể tới đời sống của quần chúng - đó mới là một người cán bộ thực sự sâu sát quần chúng, thực sự hiểu dân, yêu dân.
* Dựa vào quần chúng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác.
Trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ “Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối” và phải biết dựa vào quần chúng để xây dựng kế hoạch cho sát, cho đúng, đồng thời biết dựa vào quần chúng, biết tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh của quần chúng để thực hiện thắng lợi kế hoạch. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên học hỏi quần chúng, kiên trì trong việc giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng.
- Cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Trong phong trào xây dựng đời sống mới, xây dựng xã hội mới, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân. Chỉ như vậy, người cán bộ đảng viên mới được dân mến, dân tin, mới có thể trở thành công bộc thật sự gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân.
Chính vì thế, để nâng cao chất lượng, hiệu quả “học tập” và “làm theo” tác phong quần chúng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, đảng viên cần:
Thứ nhất, thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các dạng biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương về chính trị, kinh tế không thể không ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới tư tưởng và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện đó hoàn toàn trái với tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm mất ý nghĩa, tác dụng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống ngay trong nội bộ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội. Bởi vậy, “nói đi đôi với làm” theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đúng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng càng trở nên cần thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình.
Cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu, càng phải hết sức nêu gương tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống ở mọi lúc, mọi nơi. Trong tình hình mới, khi lợi ích cá nhân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm, nhất là khi đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân, và quyền lợi vật chất luôn gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức nói chung, thì công tác tự phê bình và phê bình càng phải được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Chính vì vậy, tự phê bình có vai trò dẫn dắt, định hướng và ảnh hưởng rất lớn đến tính chất, mục đích, chất lượng và hiệu quả của phê bình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở.
Thứ ba, nâng cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Sẽ là sai lầm khi cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, quyền tự do, dân chủ không ngừng được mở rộng, thì việc tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên càng có điều kiện thuận lợi và dễ thực hiện. Thực tế cho thấy, sống trong cơ chế thị trường, nếu không kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, thì người cán bộ, đảng viên rất dễ bị sa ngã trước áp lực của đồng tiền, của những lợi ích vật chất luôn vây quanh mình.
Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc, tự giác rèn luyện, tu dưỡng và làm theo nghị quyết của Đảng; luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Tóm lại, quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng, là bổn phận, danh dự của những người cán bộ, đảng viên tâm huyết với Đảng, với nhân dân. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo toàn dân hoàn thành thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước./.