* Những kết quả đạt được
Các nội dung CCHC được tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, thường xuyên, phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu và khả năng của từng đối tượng, từng ngành, địa phương. Hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, tạo sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhân dân.
Các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã thường xuyên quan tâm lồng ghép đa dạng hóa nội dung tuyên truyền và chỉ đạo tăng cường công tác CCHC trong các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thảo, hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật định kỳ hàng năm, sinh hoạt chuyên đề nội bộ... đảm bảo thống nhất cao trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và CBCCVC về các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp CCHC. ... Đáng chú ý, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về công tác cải cách hành chính, các Hội nghị tổng kết hoạt động của Trung tâm Hành chính công các cấp, Hội nghị Tổng kết công tác Cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020...Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 05 lớp tuyên truyền về Dịch vụ công trực tuyến cho người dân nông thôn tại Vinh An, A Lưới, Điền Hương, Điền Hải, Điền Lộc, thu hút 140 lượt đối tượng tham gia là nông dân chủ chốt của các xã; Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Thư viện; nghiệp vụ công tác thư viện, gia đình, hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương... ; Sở Du lịch đã Tuyên truyền qua các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 3 khóa với 158 hướng dẫn viên du lịch, lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho 1 lớp với 114 lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch.
Bên cạnh đó, các ban ngành duy trì đường dây nóng giải đáp các thắc mắc liên quan đến hoạt động kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính và tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch. Riêng Sở Công thương thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc có điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương.
Trang thông tin điện tử, bản tin, đặc san của các sở, ban, ngành, địa phương cũng là kênh tuyên truyền hiệu quả về công tác CCHC, góp phần đưa thông tin kịp thời, chính xác về công tác cải cách hành chính đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức, doanh nghiệp, và người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã đăng tải gần 30 file thu âm phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới, các tiểu phẩm pháp luật với nội dung sinh động, thể hiện bằng hình thức diễn kịch…để nâng cao hiệu quả tuyên truyên, phổ biến pháp luật. Cũng thông qua trang TTĐT, Sở Tư pháp đã thực hiện giải đáp 200 tình huống về thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực như: tư vấn pháp luật; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; y tế; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; trợ giúp pháp lý, hộ tịch; y tế; chứng thực; nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng; lao động, thương binh và xã hội…
Một điểm đặc biệt là trong năm 2020, các sở ban ngành đã tận dung sức lan tỏa của mạng xã hội để phục vụ cho công tác tuyên truyền CCHC. Thông qua zalo, Facebook đã tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo nhân dân các các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CCHC; tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến đang được triển khai; tình hình và kết quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan.
Công tác tuyên truyền CCHC năm 2020 cũng đã được các cơ quan báo chí triển khai một cách tích cực, đồng bộ, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên đề, chuyên mục có nội dung tuyên truyền về CCHC. Mục CCHC trong chuyên đề tiếp tục phản ánh có chiều sâu về CCHC trên địa bàn tỉnh, tình hình, kết quả triển khai mô hình chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hoạt động của các Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đến đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời phê phán những hành vi gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính ở các địa phương, đơn vị. Các chuyên mục, chuyên đề tiêu biểu về tuyên truyền CCHC có thể kể đến: Với khán giả truyền hình, Chuyên đề thuế, Lao động xã hội, Vấn đề quan tâm, Thông tin kinh tế thị trường, Trang truyền hình địa phương (, … cùng hàng trăm tin, bài, phóng sự về công tác CCHC trong các chương trình thời sự phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử.
Báo Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên trang CCHC, tuyên truyền kịp thời các vấn đề cần biết liên quan các bước thực hiện TTHC của các lĩnh vực chủ yếu như: đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, nhà ở, hộ tịch, hộ khẩu.., tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khảo sát đầu tư và phát triển kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt trong năm 2020, Báo Thừa Thiên Huế đã tích cực truyền về Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: giao thông, y tế, giáo dục…; đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện”.
Các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện cũng có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến CCHC đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tất cả các trung tâm đã xây dựng các chuyên mục: Cải cách hành chính, Pháp luật và đời sống, Hỏi đáp pháp luật…. xoay quanh các nội dung: Thủ tục cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính, chú trọng một số lĩnh vực chủ yếu như: Đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, hộ khẩu, xử phạt vi phạm hành chính... thời lượng mỗi chuyên đề từ 5-10 phút. Trong năm 2020, trung bình mỗi trung tâm đã xây dựng và phát sóng 80 tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác CCHC đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện còn tích cực gửi tin bài cộng tác với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, VTV8, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Công an Nhân dân ANTV, báo Thừa Thiên Huế, báo Thanh Niên, báo Nhân dân…để tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả hơn về tình hình thực hiện CCHC trên địa bàn.
Thông qua công tác tuyên truyền về CCHC, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện CCHC và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC của tỉnh.
* Vẫn còn những hạn chế cần khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyên truyền còn một số hạn chế. Hiện nay, hoạt động tuyên truyền ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn về công tác CCHC còn hạn chế. Tài liệu tuyên truyền về công tác CCHC đến người dân còn ít, chưa được biên dịch sang tiếng dân tộc, nội dung tuyên truyền về CCHC trên hệ thống thông tin cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Một số sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa quan tâm bố trí nguồn lực (nhân lực, kinh phí) phục vụ cải cách hành chính và công tác tuyên truyền về cải cách hành chính nói riêng nên hiệu quả công tác tuyên truyền về cải cách hành chính còn hạn chế.
Một trong những hạn chế cần khắc phục ngay đó là công tác phối hợp, thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan thông tin, truyền thông đôi lúc chưa tích cực, chưa thật sự hiệu quả...
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về cải cách hành chính thông qua các trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn còn hạn chế, chưa khai thác hết được tiềm năng và tác động tuyên truyền.
Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền cải cách hành chính đạt hiệu quả cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh về công tác CCHC; thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông trong cung cấp thông tin tuyên truyền CCHC; gắn với làm tốt công tác thông tin, phổ biến về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc tham gia và giám sát thực hiện nhiệm vụ CCHC; tổ chức tuyên truyền CCHC thông qua ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình mới đang thực hiện thí điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC; biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có sáng kiến trong công tác CCHC; phê phán những hiện tượng tiêu cực, trì trệ, vướng mắc; thái độ, hành vi, ứng xử không đúng mực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Đa dạng hoá công tác tuyên truyền CCHC thông qua nhiều hình thức với các giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ và cần được triển khai sâu rộng, qua đó tuyên truyền, quán triệt, giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tin và truyền thông nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC. Đồng thời gắn công tác tuyên truyền CCHC với thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở; xây dựng thực hiện quy ước, hương ước tại các địa phương; chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn nội dung, tổ chức sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; thông qua tổ chức các cuộc thi viết, hội thi sân khấu hoá, phát hành tờ rơi tuyên truyền… Qua đó thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về tình hình, kết quả thực hiện CCHC bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền CCHC trên địa bàn tỉnh.