Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay
Ngày cập nhật 21/12/2020

Để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 5009/BTTTT-THH ngày 18/12/2020 về việc triển khai biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức nghiên cứu, tham mưu và tổ chức triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh và hướng dẫn triển khai 12 biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, cụ thể như sau:

1. Về pháp luật

Trong bối cảnh chuyển đổi số, yếu tố thể chế và hành lang pháp lý đóng vai trò quan trọng. Xây dựng pháp luật phải kịp thời, phù hợp yêu cầu khách quan, để nắm bắt thời cơ, kiến tạo sự phát triển, không để tồn tại các khoảng trống pháp lý.

Một số biện pháp cụ thể là:

a) Rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên ngay khi có căn cứ rà soát văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước đó;

b) Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý;

c) Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thực chất;

d) Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành và do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Vụ Pháp chế là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

2. Về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch

Mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, mỗi đơn vị thuộc Bộ cần có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cho giai đoạn tới.

Các đơn vị  theo chức năng, nhiệm vụ của mình để nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn (thường là 5 năm), trung hạn (thường là 3 đến 5 năm) và hàng năm.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Vụ Kế hoạch và Tài chính là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

3. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ cần có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đầy đủ để làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Vụ Khoa học và Công nghệ là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

4. Về định mức kinh tế - kỹ thuật

Mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ cần có hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật đầy đủ để làm cơ sở cho việc xác định chi phí, xây dựng dự toán, quản lý tài chính, đầu tư.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác quản lý.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Vụ Kế hoạch và Tài chính là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

5. Về đo lường, thống kê, xếp hạng

Công tác quản lý nhà nước phải gắn liền với việc đo lường, thống kê, xếp hạng. Có đo lường được mới quản lý được. Có thống kê được mới hoạch  định chính sách được. Có xếp hạng được thì mới phân loại, đánh giá được.

Một số biện pháp cụ thể như sau:

a) Triển khai hệ thống đo lường theo hướng tự động, dữ liệu cập nhật theo thời gian thực;

b) Định kỳ thống kê, xếp hạng và công bố công khai kết quả đánh giá mức độ phát triển.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

6. Về giám sát, kiểm tra, thanh tra

Giám sát, kiểm tra, thanh tra là ba mức độ khác nhau. Giám sát chủ yếu để phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo sớm. Kiểm tra chủ yếu để phát hiện, giúp khắc phục, rút kinh nghiệm. Thanh tra chủ yếu để xử lý sai phạm.

Một số biện pháp cụ thể như sau:

a) Triển khai hệ thống thông tin cho phép thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Tăng dần tỷ lệ kiểm tra, tăng cường giám sát thông qua hệ thống thông tin;

c) Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa Thanh tra Bộ, các Cục quản lý chuyên ngành, Sở Thông tin và Truyền thông.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Thanh tra Bộ và Thanh tra của các Cục quản lý chuyên ngành là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

7. Về thi đua, khen thưởng

Phát động thi đua, tổ chức khen thưởng, tôn vinh kịp thời, tạo động lực, khí thế, chung sức, đồng lòng, tạo niềm tin phát triển.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức phát hiện, tôn vinh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với với Vụ Thi đua Khen thưởng là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

8. Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức

Xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, dẫn dắt, hợp lực doanh nghiệp và các tổ chức khác trong xã hội để cùng phát triển.

Một số biện pháp cụ thể như sau:

a) Kiện toàn bộ máy, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh mới, trong đó, xây dựng bộ máy đồng bộ, thông suốt, kết nối, phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến cấp xã;

b) Thu hút, hợp lực nhiều lực lượng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, bao gồm cả các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và doanh nghiệp.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

9. Về đào tạo, tập huấn

Trong bối cảnh chuyển đổi số, yêu cầu về kỹ năng mới liên tục xuất hiện. Đào tạo, tập huấn, gồm cả đào tạo, tập huấn lại và đào tạo, tập huấn mới để nâng cao kiến thức, kỹ năng là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục.

Một số biện pháp cụ thể như sau:

a) Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện công tác đào tạo, tập huấn thường xuyên;

b) Thực hiện đào tạo, tập huấn với nội dung cập nhật kịp thời theo xu thế phát triển, hình thức đa dạng hóa, kết hợp giữa tập trung và trực tuyến, sử dụng các nền tảng công nghệ số để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Vụ Tổ chức cán bộ và các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

10. Về thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Vì vậy, thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các đối tượng là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục, quyết định đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành.

Một số biện pháp cụ thể như sau:

a) Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở;

b) Thực hiện thông tin, tuyên truyền thông qua các câu chuyện điển hình trong thực tế tại Việt Nam và trên thế giới;

c) Thực  hiện thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ số Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với với các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

11. Về hợp tác quốc tế

Thực hiện quan điểm hợp tác quốc tế bình đẳng, vừa tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vừa chủ động chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam, vừa tham gia các hoạt động, sáng kiến hợp tác quốc tế, vừa chủ động dẫn dắt các hoạt động, sáng kiến hợp tác quốc tế phù hợp.

Một số biện pháp cụ thể như sau:

a) Chủ động tham gia các tổ chức quốc tế trong xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế về công nghệ phù hợp mục tiêu, lợi ích của Việt Nam.

b) Hỗ trợ một số nước trong phát triển ngành thông tin và truyền thông nhằm tăng cường quan hệ quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với Vụ Hợp tác quốc tế và các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề liên quan.

12. Về mạng lưới chuyên gia

Phát triển mạng lưới chuyên gia rộng khắp, tạo hiệu ứng lan tỏa tri thức, khai thác hiệu quả nguồn lực trí tuệ của xã hội để phát triển ngành thông tin và truyền thông.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình để kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, là những người có trí tuệ, tâm huyết cống hiến cho sự phát triển ngành, đặc biệt là các chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội khoa học, công nghệ trong và ngoài nước; mời các chuyên gia tham gia Mạng lưới; xác định cơ chế, nội dung hoạt động cụ thể.

Các đơn vị chủ động phối hợp, trao đổi với các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành là đầu mối của Bộ về các vấn đề liên quan.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham chiếu vào các nội dung trên để triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

 

Quang Huy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.339.591
Hiện tại 719 khách