Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp công cụ cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua môi trường mạng. Triển khai các Kiot thông tin tại Trung tâm hành chính công các cấp. Ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S. để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay 100% bộ phận Một cửa của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý một cửa tập trung. Tổ chức hoàn thiện mô hình liên thông giải quyết TTHC trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng đã được đầu tư đồng bộ.
Báo cáo công tác triển khai ứng dụng CNTT tỉnh năm 2020, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đưa ra 03 nội dụng chính cần tập trung triển khai trong năm 2020, cụ thể:
Về hạ tầng: Tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ trương xây dựng hạ tầng dùng chung và CSDL tập trung, trong năm tới việc triển khai CQĐT và ĐTTM được triển khai chung và bổ sung các dự án nền tảng Cloud cho 2 mục đích CQĐT và ĐTTM. Xây dựng các phương án đảm bảo An toàn thông tin, các công cụ nhận diện, phân tích tấn công để có biện pháp kịp thời ngăn chặn. Đề xuất các chính sách hỗ trợ đường truyền CPNet để giảm chi phí triển khai.
Về ứng dụng: Tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp: Một là, tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và hệ thống hồ sơ một cửa đảm bảo kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng các tiêu chuẩn đã được quy định; Hai là, nâng cấp hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đảm bảo áp dụng hiệu quả thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hiện nay Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai tốt tại mô hình Văn phòng UBND các cấp, tuy nhiên đối với cấp Sở còn nhiều bất cập cần được cải tiến nâng cấp phù hợp; Ba là, quy hoạch lại các hệ thống thông tin chung, tích hợp các Cổng, trang thông tin điện tử thành một hệ thống thống nhất theo hướng dùng chung. Từ đó tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ, dùng chung cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẽ , khai thác cơ sở dữ liệu một cách có hiệu quả.
Về dịch vụ Đô thị thông minh: Tập trung triển khai hạ tầng và các dịch vụ Đô thị thông minh tại Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh của tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái trong 05 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, Môi trường. Năm 2020, nghiên cứu để mở rộng mô hình Trung tâm, mô hình Bộ phận và mô hình Phòng kết nối và sử dụng khai thác có hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tích cực phối hợp với các đơn vị trong năm 2020 tập trung triển khai sử dụng thống nhất Quy hoạch trên bản đồ GIS 2D, 3D; Xây dựng và ban hành Kiến trúc ICT Đô thị thông minh; Có giải pháp phân tích dữ liệu để phục vụ bài toán quản lý của các cấp các ngành. Yêu cầu các ngành đưa ra vấn đề cốt lõi về dữ liệu cần để làm gì, quản lý như thế nào để xây dựng công cụ quản lý phục vụ phát triển Kinh tế xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thiện Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2020, cần bổ sung định hướng quản lý dữ liệu các ngành có tính thống nhất đồng bộ tại Trung tâm IOC, nâng cao tính thông minh của dữ liệu hướng đến ứng dụng công nghệ AI, triển khai dự án dự phòng nóng để bảo vệ dữ liệu trong thời gian tới.