Đề án nhằm cung cấp giải pháp tổng thể tích hợp, liên thông dữ liệu văn bản từ các hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) của các bộ, ngành, địa phương, là tiền để để xây dựng, phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ và các cơ quan hành chính các cấp, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý văn bản, công việc trên môi trường điện tử.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là giảm thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, giảm 80% thời gian gửi, nhận văn bản giữa các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2019, kết nối 100% các hệ thống phần mềm QLVB&ĐH của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chinh phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mở rộng kết nối tới các doanh nghiệp, tổ chức Chính trị, Xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện công nghệ, kỹ thuật theo quy định.
Đến tháng 6/2020, theo lộ trình thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, các hệ thống QLVB&ĐH nội bộ của các bộ, ngành, địa phương liên thông, kết nối với nhau, kết nối tới Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia; phấn đầu 100% văn bản điện tử liên thông gửi, nhận 4 cấp chính quyền.
Quyết định nêu rõ yêu cầu đối với Trục liên thông văn bản quốc gia về: Kiến trúc Hệ thống; khả năng mở rộng kết nối liên thông; tổ chức kết nối liên thông; bảo đảm an toàn thông tin; hạ tầng thiết bị phục vụ hệ thống;...
Trong đó, về kiến trúc Hệ thống, hệ thống được thiết kế nhằm kết nối tất cả các Hệ thống QLVB&ĐH của các bộ, ngành, địa phương; có khả năng chịu tải bảo đảm liên thông văn bản điện tử bốn cấp hành chính trên quy mô toàn quốc. Trường hợp các bộ, ngành, địa phương đã có Hệ thống QLVB&ĐH thống nhất, thực hiện kết nối, liên thông với Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia. Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa triển khai kết nối liên thông 4 cấp có thể kết nối các Hệ thống QLVB&ĐH của các đơn vị trực thuộc trực tiếp trên Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
Hệ thống được thiết kế độc lập nhằm mục đích cho phép các phần mềm quản lý văn bản với nhiều kiến trúc, nền tảng và chuẩn giao tiếp khác nhau có thể liên kết trao đổi thông tin với nhau theo mô hình phân tán nhằm linh hoạt trong quá trình triển khai; hệ thống cung cấp kênh truyền dữ liệu, dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn và an toàn đồng thời có thể chuyển đổi thành nhiều loại dữ liệu đích cho các dịch vụ khác nhau khai thác.
Về bảo đảm an toàn thông tin, hệ thống bảo đảm đáp ứng khả năng an toàn, bảo mật theo nhiều mức (hạ tầng, hệ thống, định danh đơn vị, cá nhân, xác thực đến thiết bị,…). Tất cả các truy xuất vào kênh truyền dữ liệu đều phải được an toàn, dữ liệu phải bảo đảm toàn vẹn, bảo mật trên đường truyền. Hệ thống hỗ trợ cơ chế bảo vệ dữ liệu; có hiệu năng cao, không bị trễ và chạy ổn định.
Bên cạnh đó, đồng bộ thời gian gửi, nhận văn bản điện tử giữa các Hệ thống QLVB&ĐH của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ theo múi giờ Việt Nam (Tiêu chuẩn ISO 8601); áp dụng các công nghệ xác thực, cơ chế kiểm soát quyền truy cập và cơ chế ghi lịch sử hoạt động của Hệ thống để quản lý, sẵn sàng cho kiểm tra, kiểm soát khi cần thiết.
Đồng thời, hệ thống hỗ trợ công cụ theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, an ninh thông tin; áp dụng giải pháp phân tích, đánh giá, đưa ra phương án khắc phục sự cố mất an toàn an ninh thông tin với thời gian nhanh nhất; triển khai các biện pháp, giải pháp phòng chống mã độc; áp dụng các biện pháp hành chính, kỹ thuật để tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát trong gửi, nhận văn bản điện tử. Có cơ chế kiểm soát, giới hạn phạm vi truy cập của các đơn vị tham gia liên thông, lập báo cáo định kỳ.
Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia bao gồm các chức năng theo các nhóm sau: Nhóm chức năng chứng thực, xác thực; nhóm chức năng quản lý gói tin gửi, nhận; nhóm chức năng quản lý kết nối liên thông; nhóm chức năng thống kê, báo cáo; nhóm chức năng quản trị; nhóm chức năng cảnh báo giám sát gửi, nhận văn bản.