Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Trách nhiệm cộng đồng trong việc ngăn chặn, loại bỏ sách giả
Ngày cập nhật 06/08/2019
Ảnh minh họa

Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản, nhưng nạn sách giả vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Những vụ in ấn, tiêu thụ sách giả, sách lậu liên tiếp bị phát hiện, xử lý trong thời gian qua cho thấy mức độ tinh vi, liều lĩnh, bất chấp pháp luật của loại tội phạm này. Ðã đến lúc cộng đồng cần vào cuộc, kiên quyết nói không với sách giả.

 

Sách lậu in với số lượng lên đến hàng chục tấn thật sự là câu chuyện gây sốc với không ít người nhưng đó lại là sự thật. Còn nhớ tháng 8/2004, 20 tấn sách giáo khoa và sách tham khảo in lậu tại Công ty TNHH in bao bì gia công Tân Phú Khương (Thành phố Hồ Chí Minh), đã bị cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản thu giữ. Sự việc khi đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên đến nay, sách giả vẫn tiếp tục hoành hành với mức độ ngày càng tinh vi, khó lường. Chỉ trong hai tháng 6 và 7/2019, hàng loạt vụ việc liên quan sách giả bị phát hiện khiến dư luận hết sức băn khoăn, lo ngại. Cụ thể, ngày 13/6, cơ quan chức năng tỉnh Bình Ðịnh phát hiện 72.602 cuốn sách giáo khoa nghi in lậu tại nhà sách Mỹ Huyền (Bồng Sơn), ước tính khối lượng lên đến hàng tấn. Các cuốn sách này có nội dung giống sách giáo khoa của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, tuy nhiên chất lượng giấy xấu hơn và tem nhận diện khác với tem của NXB Giáo dục, chủ nhà sách cũng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Cũng liên quan vấn đề sách giả, mới đây đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Huế cho biết, đã giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin tiến hành các thủ tục hủy việc thí điểm tổ chức Không gian sách đường Hai Bà Trưng (còn gọi là Đường sách Thành phố Huế). Trước đó, người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng sách giả, sách lậu được bày bán công khai ở đường sách này. Tại thời điểm kiểm tra, hàng trăm xuất bản phẩm bị phát hiện không có hóa đơn, nguồn gốc, xuất xứ. Gần nhất, trong các ngày từ 8 đến 11/7, tại tỉnh Gia Lai, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 3.577 cuốn sách giáo khoa có dán tem giả được tàng trữ, bày bán tại ba cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ðại diện NXB Giáo dục đã xác định đây là sách giả. Có thể thấy, điểm chung của sách bị làm giả là các cuốn sách bán chạy, có số lượng phát hành lớn. Vì vậy, trong các vụ việc liên quan xảy ra trong thời gian qua, số sách vi phạm bị phát hiện thường lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn bản. Cùng với đó, số tiền ước tính đến hàng trăm tỷ đồng đã "chảy" thẳng vào túi các "đầu nậu" và "chân rết" làm nhiệm vụ tiêu thụ sách giả.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 ngành xuất bản, in, phát hành diễn ra ngày 10/7/2019, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, đã thẳng thắn đánh giá tình trạng sách lậu, sách giả hiện đang vô cùng nhức nhối. Thậm chí, theo đại diện nhiều đơn vị xuất bản, tình trạng này đang có chiều hướng bùng phát, ngày càng hoành hành dữ dội. Không chỉ xuất hiện tràn lan tại các điểm bán sách, sách giả còn xâm nhập vào các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.

Nguy hiểm hơn, dù sách lậu, sách giả có mặt ở mọi thể loại, đề tài nhưng sách giáo dục hiện là loại sách bị làm giả nhiều nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến nay, có hơn 500.000 bản sách, gần 08  tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố. Song đây chỉ là con số thống kê trên cơ sở các vụ việc đã bị phát hiện, số sách giả lưu hành trên thị trường chắc chắn sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần. Thực tế, với sự phát triển của công nghệ in ấn hiện nay, có cuốn sách bán chạy vừa ra mắt buổi sáng, thì đến chiều sách giả đã được rao bán tràn lan trên thị trường...

Ðáng buồn là sách giả đang được không ít người tiêu dùng lựa chọn và dung túng. Thí dụ bộ truyện Harry Potter (gồm 07 tập) đang được chào bán trên mạng với mức giá từ 400 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng. Sự chênh lệnh này cho thấy sự khác biệt rất lớn về giá cả giữa sách giả và sách thật. Tuy nhiên vì lợi ích cá nhân, nhiều người dù biết rõ đó là sách giả nhưng vẫn sẵn sàng mua và cổ vũ cho việc làm này, cho rằng mình có lợi vì mua được sách giá rẻ. Chưa kể, dù vô tình hay cố ý thì đây vẫn là hành vi tiếp tay cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả.

Sách giả đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Dễ thấy nhất là sách giả đã làm mất đi sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị xuất bản làm ăn nghiêm túc, tuân thủ pháp luật với những cơ sở chuyên "sống ký sinh", ung dung hưởng lợi nhuận bằng việc sao in trái phép, không mất công tổ chức bản thảo cũng như thực hiện nghĩa vụ bản quyền. Ðại diện Công ty First News - Trí Việt cho biết, đơn vị hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó có khoảng 400 cuốn bán chạy, nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, làm giả, bị xâm phạm, vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. Thậm chí có bộ sách cùng một lúc có tới 16 cơ sở làm giả. Vì thế đã có ý kiến bày tỏ sự lo ngại nạn sách giả có thể bức tử ngành xuất bản. Cùng với thiệt hại lớn về kinh tế do sách giả gây ra cho các NXB làm ăn chân chính, trực tiếp xâm hại quyền tác giả, thì sách giả cũng khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thu đáng kể. Sự lộng hành của sách giả cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Công ước Berne mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2004. Việc tiếp tay tiêu thụ sách giả của không ít người tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống mà còn làm tổn hại đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước. Ðiều này sẽ là nguy cơ dẫn đến việc người đọc trong nước sẽ mất dần cơ hội để có thể tiếp cận những đầu sách hay, có giá trị trong tương lai.

Nghiêm trọng hơn, việc dung túng cho sách giả sẽ dẫn tới sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Tâm lý ham rẻ, chỉ mua rẻ sẽ dần tạo thói quen coi thường chất xám, coi thường công sức của các tác giả, nhà xuất bản. Người đọc sách giả về lâu dài sẽ dễ dàng chấp nhận sự kém chất lượng, kể cả những lỗi sai về nội dung, hình thức, từ đó vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức của bản thân. Việc chấp nhận sách giả còn góp phần triệt tiêu sự sáng tạo của các tác giả, nhà xuất bản, tạo ra một lớp người tiêu dùng méo mó, sẵn sàng chấp nhận cái sai và lan truyền cái sai đó, gây ra những tác động xấu cho xã hội...

Thời gian qua, tại các địa phương, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, tuyên chiến với nạn sách giả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý và ngăn chặn còn khá hạn chế. Các trường hợp bị xử lý mới chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", chưa đủ khả năng răn đe, ngăn chặn. Chưa kể, sách giả mang đến những nguồn lợi "kếch xù" cho đối tượng in lậu, nhưng mức xử phạt theo quy định của pháp luật còn thấp, nên nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt để tái diễn với mức độ liều lĩnh, tinh vi hơn. Việc áp dụng biện pháp đóng cửa cơ sở in ấn được đánh giá là mạnh tay, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ sở in ấn mới lại tiếp tục mọc lên, và qua nhiều cách thức khác nhau, sách giả lại tiếp tục được tuồn ra thị trường. Ðể tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở in lậu chọn địa bàn hoạt động là khu vực ngoại thành, thuê cơ sở tại nhà dân, thường hoạt động vào ban đêm và các ngày cuối tuần. Và để tạo thị trường tiêu thụ, các "đầu nậu" này sẵn sàng đưa ra mức chiết khấu cao, nhằm tuồn sách giả vào các nhà sách lớn, cơ quan, trường học.

Ðể kịp thời xử lý, ngăn chặn nạn sách giả, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành. Tiêu biểu có thể kể đến Luật Xuất bản sửa đổi (năm 2013), Nghị định số 159/2013/NÐ-CP của Chính phủ (ngày 12/11/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản, Nghị định số 131/2013 (ngày 16/10/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan... Theo Ðiều 344 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi), tùy các mức độ, người phạm tội trong hoạt động xuất bản có thể bị "phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm" (khoản 1), hoặc bị phạt tù từ hai năm đến năm năm (khoản 2). Nhưng đến nay, các vụ việc sai phạm liên quan tới in ấn, tiêu thụ sách giả thường mới chỉ bị xử phạt hành chính. Và có thể nói, dù số tiền phạt được áp dụng ở khung cao nhất là 200 triệu đồng thì cũng chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan như: thanh tra chuyên ngành xuất bản, in, phát hành, công an, quản lý thị trường, hải quan, NXB, cơ sở phát hành... còn thiếu đồng bộ, lực lượng lại mỏng, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm cho nên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Ðiều này đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến các đối tượng làm sách giả dễ dàng trục lợi và từ đó, các "chợ" sách giả, sách lậu vẫn ngang nhiên tồn tại ở các phố Ðinh Lễ, Nguyễn Xí, Phạm Văn Ðồng, Láng, Trần Quốc Hoàn (Hà Nội)... cho dù dư luận thường xuyên "chỉ mặt đặt tên".

Trước sự xâm lấn, cũng như hậu quả lâu dài của sách giả vào thị trường in, xuất bản và phát hành ở Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan chức năng, đơn vị xuất bản đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất như: đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, lập lại trật tự trên thị trường phát hành sách, các NXB phối hợp, thông tin với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Hội Xuất bản tổ chức các chương trình ký kết giữa ngành xuất bản và các kênh, sàn thương mại điện tử thực hiện cam kết không phát hành sách giả; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các nhà xuất bản và sự trợ giúp của cơ quan truyền thông... Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, nếu chỉ có sự nỗ lực đơn độc của các cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản, trong khi một bộ phận người dân vẫn tiếp tay, dung túng, tiêu thụ sách giả thì vấn nạn này sẽ không thể giải quyết triệt để. Do đó, trong cuộc chiến chống sách giả cần kêu gọi trách nhiệm của cả cộng đồng nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, kiên quyết nói "không" với sách giả. Kịp thời phát hiện, tố giác những cơ sở in ấn, kinh doanh sách giả... Khi không còn môi trường tồn tại, sách giả sẽ tự triệt tiêu. Sự chung tay của cả cộng đồng không chỉ góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, mà còn thể hiện lối sống văn hóa, biết trân trọng những giá trị tinh thần đích thực của nhân loại.

theo Mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.347.077
Hiện tại 3.069 khách