Hội thảo có sự tham gia của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tổ chức quốc tế. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện các sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, với sự quan tâm định hướng vai trò công nghệ thông tin của Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, cùng với sự vào cuộc tích cực của các tỉnh, thành phố đã góp phần tích cực trong thay đổi tư duy, phương thức điều hành, nâng cao minh bạch, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, rào cản trong việc phát triển Chính phủ điện tử cũng như xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay. Hy vọng qua hội thảo, có thể chia sẻ những kinh nghiệm Thừa Thiên Huế đạt được cũng như mong muốn thông hội thảo nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia để sớm hoàn thiện mô hình, lộ trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh của địa phương.
Trao đổi về một số nội dung trong buổi Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vừa mới diễn ra cách đây 3 ngày (23/7/2019), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG về CPĐT đã nhấn mạnh “Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công”, chúng ta phải “quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử”, thực chất là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ bên ngoài giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và 2 quan hệ nội bộ giữa Chính phủ với nhau, với cán bộ, công chức. Do đó, Hội thảo tổ chức rất đúng trong bối cảnh hiện nay khi VPCP, Bộ TT&TT cùng các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng CPĐT với quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo
Theo Văn phòng Chính phủ, sau gần 4 tháng triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP, về cơ bản đã hoàn thành được các nhiệm vụ quan trọng được giao trong 6 tháng đầu năm 2019. Với nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm, người dân, doanh nghiệp được đặt ưu tiên là đối tượng phục vụ, đến nay việc xây dựng hạ tầng CPĐT tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng. Cụ thể, công tác xây dựng thể chế đã có những kết quả nhất định; việc tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT đã được xem xét thấu đáo; đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), đang khẩn trương thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc đưa vào vận hành trong tháng 11/2019 phục vụ người dân và doanh nghiệp; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đầy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực.
Là cơ quan chủ trì tham mưu về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Khung kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0 và đưa ra dự thảo Quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã được triển khai tích cực, tiêu biểu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, tài chính, tài nguyên môi trường... tạo nền tảng dữ liệu đồng nhất cho hệ thống CPĐT vận hành. Bộ TT&TT cũng đã triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các đơn vị (100% các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 93,4% quận, huyện, thị xã); nâng cấp băng thông, bảo đảm lưu lượng truyền tải, song song với bảo đảm an ninh bảo mật cho hệ thống.
Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng có nhiều bước tiến, hiện nay, VPCP đang tập trung thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với 4 nội dung chính: Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp; cung cấp nền tảng đăng nhập, thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị. Hiện nay, VPCP đang tích cực cùng Bộ TT&TT, các doanh nghiệp giỏi về CNTT để quyết tâm đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào vận hành thử nghiệm trong tháng 9/2019 và chính thức vận hành vào tháng 11 năm nay. Trước mắt ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ về một số kết quả đạt được trong xây dựng CPĐT và đô thị thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, trong thời gian vừa qua. Thừa Thiên Huế đã triển khai một bước chuyển đổi quan trọng đó là phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Với thời gian rất ngắn, mô hình này đã phát huy hiệu quả, qua đó thúc đẩy, điều chỉnh ngược trở lại việc hoàn thiện quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương từ nền tảng công nghệ và tư duy mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã có những vướng mắc và tồn tại như: hệ thống chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện;nhận thức chưa chuyển biến đồng đều;việc kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin chưa thông suốt;quá trình chuyển đổi số còn chậm; điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.
Chuyên gia nước ngoài trao đổi về xây dựng thành phố thông minh
Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu lộ trình phát triển cổng dịch vụ công và khung kiến trúc CPĐT giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ; giới thiệu các mô hình kết hợp smart city và CPĐT của các nước phát triển trên thế giới; giới thiệu mô hình phát triển CPĐT tại các quốc gia phát triển; giới thiệu các hình thức hợp tác quốc tế nhằm phát triển CPĐT và thành phố thông minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; giới thiệu các giải pháp xây dựng và hiện đại hoá cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó trọng điểm là giải pháp định danh điện tử và thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công trực tuyến và bảo mật cho CPĐT...
Hội thảo cũng diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề như: "Chuyển đổi số hoạt động quản lý Nhà nước góp phần hoàn thiện Chính phủ số: Mô hình, giải pháp và công nghệ", "Cải cách, tinh giảm thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến".
Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đến thăm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh dưới).