Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được phê chuẩn và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Với tinh thần khẩn trương thực hiện các cam kết tại Hiệp định, ngày 22 tháng 01 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc Xuất xứ trong Hiệp định CPTPP.
Tại Hội nghị, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã thông tin tới các doanh nghiệp về các nội dung như: Hướng dẫn tra cứu quy định về xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định CPTPP và tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT; các quy định về xuất xứ trong CPTPP được nội luật hóa tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT; nội dung Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP;...
Theo đó, Thông tư 03 có 5 chương, 33 điều và 9 phụ lục kèm như sau: Quy định chung; quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa; quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; quy định riêng về hàng dệt may và các điều khoản thi hành… Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 8/3/2019. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong CPTPP cũng sẽ được cấp kể từ ngày 8/3.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết, so với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị nội địa); danh mục PSR (quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất. Trong đó, có 3 danh mục PSR gồm: Danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại...
Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Ðối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên, mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.
Việt Nam đang có ưu thế khi xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… sang các bạn hàng trong CPTPP. Với một thị trường xuất khẩu lớn và có nhiều tiềm năng để tăng giá trị xuất khẩu khi CPTPP đã đi vào hiệu lực từ đầu năm, việc cập nhật và thực thi hiệu quả các quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình xuất khẩu và mục tiêu lớn hơn là nhận được các ưu đãi thuế.