Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao trong thời đại 4.0
Ngày cập nhật 01/04/2019
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Tọa đàm

Sáng 30/3, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đồng chủ trì tổ chức Toạ đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”. Tham dự sự kiện có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cùng đại diện từ hơn 100 trường đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT.

Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao được tổ chức với mục tiêu tạo ra diễn đàn cho các cơ quan hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ thông tin, thảo luận và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT trình độ cao ở Việt Nam. Song song với Tọa đàm, Triển lãm cùng tên cũng được tổ chức với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp ICT lớn.
 
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ICT
 
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Chủ trương này đã được nêu rõ trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ 11, 12 và tới đây sẽ phải tiếp tục, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày càng phát triển".
 
"Nền kinh tế chuyển sang số hóa, chúng ta thấy rất nhiều thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. Hơn lúc nào hết, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực ICT ngày càng có vai trò quan trọng nhưng cũng có thách thức rất lớn", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
 
20193003-ta5.jpg
 
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm
 
Theo ông Phùng Xuân Nhạ: Hiện cả nước có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên, số lượng so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó ưu tiên khởi nghiệp công nghệ thông tin, là rất thiếu.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ: Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu cầu việc làm rất lớn nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo bổ xung. Vấn đề đặt ra với các nhà trường là đào tạo thế nào, hợp tác với các trường của doanh nghiệp ra sao và các doanh nghiệp có nên chỉ dừng lại là cấp học bổng cho sinh viên hay không hay là phải cùng trường thiết kế chương trình đào tạo một cách hợp lý từ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường trên thực tế, vấn đề này các bên phải cùng xem xét và phối hợp kĩ càng trong thời gian tới.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cam kết trách nhiệm các Bộ, ngành là đồng hành với doanh nghiệp, nhà trường. Rà soát chính sách tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi chính sách trong thẩm quyền; tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, ứng dụng trong thực tế, đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
 
Doanh nghiệp và nhà trường cần đổi mới, sáng tạo và gắn kết trong thời đại 4.0
 
20193003-ta6.jpg
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham quan triển lãm
 
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó giành lợi thế.
 
Theo Bộ trưởng: “Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại”.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần đổi mới cách thức đào tạo. Thay vì đào tạo theo kiểu truyền thống là học trước làm sau, thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, chúng ta cần đổi mới tư duy, học bằng cách làm, làm trước học sau, tự học 70 – 80% rồi mới hỏi thầy.
 
Quan điểm của người đúng đầu Bộ TT&TT là nhà trường cần mời doanh nhân, mời chuyên gia vào quá trình nghiên cứu, thiết kế giáo trình và đào tạo trực tiếp cho sinh viên nhiều hơn. Đặc biệt, tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới.
 
“Người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, môi trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, IT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
 
20193003-ta1.jpg
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm cùng các đơn vị tham gia kí kết hợp tác
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này. Phải coi việc đào tạo người lao động như một khoản đầu tư tương tự như với máy móc, thiết bị. “Chi cho đào tạo từ 5% - 10% chi phí lương là con số ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. Nguồn chi lớn như vậy sẽ tạo ra thị trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
 
“Chúng ta cũng cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là một động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.” – Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT cam kết luôn quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp giữa ICT và cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng cũng mong các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
 
20193003-ta2.jpg
 
Các phiên tọa đàm diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu
 
Tọa đàm tập trung thảo luận 4 nội dung chính, trong đó nhấn mạnh vào thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong ngành ICT và thực trạng về sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2020, định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030 trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Từ thực trạng này đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao; đề xuất cụ thể về mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên trong nghiên cứu, đào tạo và tìm kiếm việc làm của sinh viên chuyên ngành ICT. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT đồng thời nâng cao nhận thức của các bên về gắn kết cung - cầu trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
 
Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục đại học với đối tác doanh nghiệp ICT. Đồng thời, Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp lớn sử dụng nguồn nhân lực ICT sẽ diễn ra trong cả ngày 30/3/2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực ICT. Đồng thời, cũng là dịp để các trường đại học có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh.
 
Toàn văn bài phát biểu tại Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, xem tại đây./.
 
 

 

theo mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.326 khách