Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Thành Hưng, Phạm Hồng Hải, Hoàng Vĩnh Bảo; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT. Cùng dự còn có các doanh nghiệp tư nhân, các Hiệp hội, một số cơ quan báo, đài, nhà xuất bản, các chuyên gia, nhà báo chuyên sâu tham dự. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 67 điểm cầu trên toàn quốc.
Phát biểu định hướng Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên tham dự giao ban có sự tham gia đầy đủ các thành phần thuộc lĩnh vực QLNN của Bộ. Hội nghị sẽ tập trung dành nhiều thời gian để lắng nghe các ý kiến đề xuất, thẳng thắn trao đổi, giải trình, từ đó hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển trên tất cả 7 lĩnh vực gồm: bưu chính, viễn thông, an toàn - an ninh mạng, CNTT, công nghiệp ICT, thông tin – tuyên truyền, thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam.
Tại Hội nghị, Văn phòng Bộ đã báo cáo về công tác xây dựng chính sách pháp luật; Công tác thực thi quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành trong tháng qua. Theo đó, Bộ đã có nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức đánh giá tác động đối với việc Bưu chính Mỹ ngừng thực hiện các cam kết đa phương trong tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới, đưa ra giải pháp hỗ trợ VNPost thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ, cải tiến quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ để sẵn sàng cạnh tranh; Sửa và ban hành Thông tư quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập, Thông tư quy định quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính; Lĩnh vực Viễn thông tăng trưởng ổn định, lượng người dùng dịch vụ Mobile Internet tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2017 do các nhà mạng đã đầu tư, phát triển nhanh mạng 4G...
Bộ đã hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án quản lý và sử dụng thẻ cào viễn thông; ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số từ 16/11/2018; Tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt hơn 11 triệu người sử dụng và xếp thứ 20 trên toàn thế giới.
Đối với việc xử lý SIM rác, Bộ TT&TT đã đưa ra các giải pháp: (1) - SIM mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh. (2) - Các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ, để tránh việc dùng SIM thay thẻ cào điện thoại. (3) - Nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư. Ba giải pháp này sẽ giải quyết đáng kể vấn nạn SIM rác, trong khi đợi giải pháp căn cơ là xây dựng CSDL căn cước công dân.
Về lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT tiếp tục xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0, góp phần thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018-2020 đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Bộ tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT thay thế Nghị định 102 và Quyết định 80, tháo gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT và thủ tục thuê dịch vụ CNTT.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án Giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Xây dựng kế hoạch triển khai giải pháp giám sát ATTT dài hạn cho mạng người dùng và trang thông tin điện tử Bộ TT&TT.
Trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, thực hiện yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tạm dừng xem xét, thỏa thuận cấp mới giấy phép trong hoạt động báo chí cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức về Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong tháng 10/2018, Bộ đã không cấp phép mới cho các cơ quan báo chí. Hiện tại, Bộ chỉ cấp các loại giấy phép như: giấy xuất bản bản tin, xuất bản đặc san, số đặc biệt cho các cơ quan báo chí, tổ chức, đơn vị theo quy định. Cục Báo chí đã làm việc với các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí của các hội, hiệp hội để triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Viettel để hoàn thiện hệ thống lưu chiểu điện tử và giám sát truyền thông, trong đó có hệ thống đo lường số lượng tin xấu, tin tốt;…
Bên cạnh đó, đối với 3 đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đã đạt được những kết quả nhất định: Hiện đã có 4 quốc gia tham gia với Việt Nam thống nhất dùng một giá cước chuyển vùng quốc tế để hướng tới một ASEAN phẳng và thống nhất; Việt Nam đã hoàn thành xây dựng trung tâm An ninh mạng nhằm mục tiêu đến năm 2019 Việt Nam sẽ trở thành trung tâm an ninh mạng của ASEAN; Tiến hành mở khoa đào tạo về ICT thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đại học FPT qua đó sẽ tiến hành giảng dạy bằng tiếng Anh, cấp học bổng để thu hút các sinh viên từ các nước ASEAN đến Việt Nam học tập.
Tại Hội nghị, nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã kiến nghị, đề xuất với Bộ TT&TT cần tháo gỡ để giúp phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu ra những bất cập, tồn tại và đề xuất giải pháp để những cơ chế, chính sách của Bộ được thực hiện tốt trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, tham mưu trả lời trực tiếp, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, xuất bản thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ những nguyên tắc làm việc của Bộ TT&TT trong thời gian tới: Bộ phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, siết chặt kỷ luật hành chính, liêm chính, hành động nhanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Khi xây dựng văn bản QPPL phải tuân thủ luật, chú trọng tính khả thi, ưu tiên tạo thuận lợi cho bên thụ hưởng. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, cần có bộ phận chuyên trách nghiên cứu về pháp luật để kịp thời tham vấn cho cơ quan quản lý một cách chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép kinh doanh gây cản trở cho doanh nghiệp phát triển. Hàng năm, các lĩnh vực của Bộ sẽ tổ chức tổng kết riêng và khen thưởng cho các doanh nghiệp thuộc nhà nước cũng như tư nhân.
Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Kiến nghị đưa mục chi cho lĩnh vực CNTT vào dự toán ngân sách của Chính phủ; Ưu tiên đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; Đề xuất với Chính phủ về chính sách thu phí dành cho các doanh nghiệp ICT của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam làm quỹ nghiên cứu phát triển lĩnh vực ICT (Dự kiến khoảng 2% đối với các doanh nghiệp có doanh thu trên 1 nghìn tỷ đồng); Xây dựng Hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia và trước mắt là xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0 tại Việt Nam; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam góp phần tăng năng suất lao động trên tất cả các lĩnh vực; Để phát triển nguồn nhân lực ICT thì doanh nghiệp phải đưa ra các bài toán về mức lương tốt nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời cần tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực An toàn, an ninh mạng với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT xác định đây là bộ não để đất nước phát triển nhanh hơn, Ngành TT&TT sẽ tham gia với tư cách hạt nhân. Hai hạt nhân xây dựng Chính phủ điện tử là Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT. Nhiệm vụ của ngành TT&TT là đưa Việt nam xếp thứ hạng Chính phủ điện tử ở top 50 thế giới.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định:“An toàn an ninh mạng được coi là điều kiện để thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số và nền công nghiệp nội dung số. Vì vậy Việt Nam phải trở thành cường quốc về an ninh mạng.”
Về hệ sinh thái số Việt Nam, mục tiêu của Bộ TT&TT là đến năm 2020, thuê bao mạng xã hội Việt Nam chiếm 50% tổng số thuê bao mạng xã hội. Nhiệm vụ này được Bộ tập trung giao cho 3 đơn vị chính là Zalo (VNG), VCCorp và Mocha (Viettel).
Bộ TT&TT cũng đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; kế hoạch đấu tranh ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên 2 mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google.
Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải phápvề thanh toán cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số. Quan điểm của Bộ là tài khoản viễn thông có thể dùng làm vật thanh toán các loại hàng hoá khác với giá trị nhỏ hơn 2 triệu.
Về lĩnh vựcphát triển công nghiệp ICT, Bộ TT&TT sẽ đổi tên Vụ CNTT thành Cục Công nghiệp ICT. Nhiệm vụ của cơ quan này là quản lý công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp nội dung số, công nghiệp CNTT, công nghiệp ICT. Bộ đã tổ chức Đoàn công tác liên Bộ (Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình và định hướng phát triển Khu CNTT tập trung ở địa phương để rà soát, tháo gỡ các vướngmắc trong quá trình đầu tư, xây dựng Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội.
Về lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Thông tin, tuyên truyền phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo nên khát vọng về một dân tộc hùng cường. Đây là triết lý, là tuyên ngôn của báo chí. Cục Báo chí cần tiến hành đo đạc, thống kê thông qua hệ thống lưu chiểu điện tử, có các đánh giá một cách khoa học, chính xác từ đó có kế hoạch phù hợp nhằm phát triển lĩnh vực thông tin, tuyên truyền một cách lành mạnh, khơi dậy nguồn lực vô hạn của đất nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần tập trung nâng cao các chỉ số xếp hạng quốc gia. Theo thống kê trong lĩnh vực ICT thì Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí thứ 100/193 quốc gia. Trong đó, nhiều lĩnh vực như Viễn thông, ATTT, nhân lực ICT đều ở mức thấp. Do đó, cần có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đứng ở vị trí từ 30 đến 50 của thế giới.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện một số công việc cụ thể sau: Bưu chính phải có định hướng về phát triển lĩnh vực Logistic cho doanh nghiệp; Các nhà mạng dùng giải pháp kỹ thuật phát hiện SIM kích hoạt trước và xử lý triệt để tình trạng SIM rác; Thực hiện nghiêm Nghị định 49 về khóa SIM thuê bao không đủ thông tin; Phối hợp với các doanh nghiệp, các hiệp hội trong việc xử lý các máy tính nhiễm mã độc; Hoàn thành góp ý sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định 80, các Nghị định về Định danh, Chia sẻ dữ liệu; Thành lập tổ công tác thúc đẩy Internet vạn vật (IoT), hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0 Việt Nam; Chú trọng xây dựng hệ sinh thái số và phần mềm chống virus của Việt Nam; Xử lý tin giả; cung cấp dịch vụ xuyên biên gioái; Làm việc với các Hội, Thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn về quy hoạch báo chí; Đo lường, định lượng được tỷ lệ tin bài tốt, xấu trong thông tin tuyên truyền.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề ra mục tiêu phát triển của ngành TT&TT đến năm 2020:
- Lĩnh vực Bưu chính: Doanh thu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2-2,5 lần. Một số doanh nghiệp lớn tập trung đầu tư cho logistic. Đặt mục tiêu xếp hạng 40 thế giới.
- Lĩnh vực Viễn thông: Xây dựng mạng 5G cho mục tiêu phát triển IoT; Đạt thứ hạng 50 trong bảng xếp hạng ICT thế giới.
- Về IT: Đạt thứ hạng 50 về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng ICT thế giới.
- An ninh mạng: Đạt thứ hạng 50 trong bảng xếp hạng ICT thế giới.
- Công nghiệp ICT: Doanh thu từ lĩnh vực Nội dung số phải đạt từ 15-20% tổng doanh thu ngành Viễn thông; phấn đấu sản xuất 20% thiết bị nội địa cho thị trường IoT.
- Hệ sinh thái số: Đạt mục tiêu 50% số lượng thuê bao sử dụng mạng xã hội Việt Nam.
- Thông tin, tuyên truyền: Cơ bản hoàn thành Đề án Quy hoạch báo chí; đảm bảo đời sống người làm báo; Báo chí Việt Nam phải đạt được mục tiêu phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận, niềm tin của nhân dân và tạo nên khát vọng về một dân tộc hùng cường./.
|