Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Võ Văn Thưởng những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ TT&TT trong thời gian qua và phương hướng của Bộ trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý đa lĩnh vực, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là Công nghệ và Tuyên truyền. Về mảng công nghệ, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý về công nghệ, công nghiệp thông tin và truyền thông, điện tử viễn thông, đóng vai trò dẫn dắt về công nghệ, công nghiệp ICT, chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái số, CMCN4.0... góp một phần rất lớn trong nền kinh tế đất nước (doanh thu toàn ngành năm 2017 là 100 tỷ USD).
Đồng thời, là Bộ quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử; xuất bản, in và phát hành. Đây chính là một công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để tạo nên niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy khát vọng và tự hào dân tộc, nhằm cổ vũ và nâng cao sức mạnh tinh thần của đất nước.
Thời gian qua, Ngành TT&TT đã ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Các lĩnh vực: Bưu chính; Viễn thông; Công nghệ thông tin (bao gồm: An toàn Thông tin, an ninh mạng; Công nghiệp và công nghệ: Công nghiệp Quốc phòng An ninh; Công nghiệp phần mềm; Công nghiệp nội dung số; Công nghệ 4.0; Hệ sinh thái nội dung số Việt Nam; X-Tech); Báo chí, phát thanh - truyền hình, thông tin cơ sở; Xuất bản, in và phát hành đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
Cũng tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TT&TT phát triển.
Trong lĩnh vực viễn thông, liên quan đến hạ tầng thanh toán điện tử, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng với doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng, kênh bán hàng rộng trên khắp cả nước. Cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả thế mạnh sẵn có, góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. Tài khoản viễn thông có vùng phủ khoảng 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có vùng phủ 20-30% dân số.
Bộ cũng đề nghị cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, góp phần thúc đẩy dịch vụ nội dung số. Thẻ cào viễn thông không phải là phương tiện thanh toán, không phải là trung gian thanh toán.
Trong lĩnh vực CNTT, Bộ đề nghị Thủ tướng giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia. Quốc gia số là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo. Nếu quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam có thể tăng năng suất lao động từ 30-40%, góp phần 20-30% trong tăng trưởng GDP, tránh bẫy thu nhập trung bình, theo các báo cáo nghiên cứu có uy tín trên thế giới.
Về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo: Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT là hai hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử. Ở địa phương, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Sở TT&TT là hai hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử ở địa phương.
Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng đồng ý cho Bộ TT&TT xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm dịch vụ CNTT thay thế Quyết định về thuê dịch vụ CNTT; đồng thời cho phép mở rộng phạm vi chi của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích dành cho CNTT và An toàn an ninh mạng.
Bộ xin phép Thủ tướng cho thực hiện một số dự án nền tảng, quan trọng về ứng dụng CNTT (cơ sở dữ liệu quốc gia) theo phương thức đặt hàng hoặc chỉ định thầu cho một số doanh nghiệp lớn.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng, Bộ TT&TT đề nghị được giao đầu tư tăng cường năng lực cho Trung tâm quốc gia về giám sát ATTT trên không gian mạng; là đầu mối duy nhất về thực hiện chặn, lọc thông tin. Đồng thời, đề nghị được giao chủ trì xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, trọng tâm là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc
Trong lĩnh vực Công nghiệp, công nghệ, Bộ TT&TT đề nghị được phép xây dựng quy định: Đối với các hệ thống hạ tầng viễn thông, CNTT liên quan đến an ninh quốc gia thì phải sử dụng sản phẩm do Việt Nam sản xuất; Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam trên cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chuyển sang làm công nghệ cao; Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng công nghệ cao quốc gia hùng mạnh trên cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp điện tử viễn thông dân sự lớn, kể cả sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập Cục Công nghiệp ICT trên cơ sở Vụ CNTT nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực báo chí, phát thanh - truyền hình, xuất bản, Quyền Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện Quy hoạch báo chí theo lộ trình 2 bước: Giảm số lượng cơ quan chủ quản (2019) và Giảm số lượng cơ quan báo chí (2025). Đồng thời, Quyền Bộ trưởng kiến nghị Bộ TT&TT được xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, có khả năng giám sát, phân tích, đánh giá thông tin; Cho phép chuyển sang cơ chế đặt hàng báo chí, PTTH và tăng chi đặt hàng lên 1% ngân sách chi thường xuyên.
Về CMCN4.0, Bộ TT&TT kiến nghị được giao xây dựng chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo quốc gia (công nghệ cốt lõi của CMCN4.0); Nghiên cứu đề xuất việc Việt Nam trở thành đối tác quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về CMCN4.0.
Bộ TT&TT kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng một số phòng Lab, Trung tâm sáng tạo 4.0, phục vụ cho cộng đồng start-up đặt tại Học viện Công nghệ BCVT và Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn; Chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa chuẩn kỹ năng CNTT, 4.0 vào chương trình giáo dục, đào tạo từ cấp phổ thông đến dạy nghề, đại học.
Quyền Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Liên quan đến các Sở TT&TT, Quyền Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo không sáp nhập Sở TT&TT với Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Trong trường hợp phải sáp nhập thì cân nhắc phương án sáp nhập với Sở Khoa học Công nghệ.
Bộ TT&TT cũng đề nghị được tiếp tục phát triển Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn như một trường dạy nghề chất lượng cao về ICT và 4.0, trực thuộc Bộ TT&TT.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng cơ bản đồng tình với báo cáo Bộ TT&TT. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh: Bộ TT&TT cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện những quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí. Quan điểm của Đảng là không có báo chí tư nhân nhưng trên thực tế tư nhân có mặt trong nhiều khâu quan trọng của hoạt động báo chí, như các chương trình liên kết. Hiện chưa có những quy định cụ thể để xử lý nên tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường khi có vấn đề xảy ra.
Một số quy định pháp luật liên quan đến tôn chỉ, mục đích, báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, tên miền, quy định về trích dẫn, đưa lại thông tin,… chưa rõ ràng nên trong thực tế triển khai gần như mất kiểm soát.
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa tương xứng với yêu cầu thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay. Chế tài xử lý còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe.
Đồng chí cũng lưu ý Bộ cần khẩn trương thực hiện Quy hoạch báo chí, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí lớn, có đông bạn đọc, bạn xem, bạn nghe đài… phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội.
Đối với lĩnh vực xuất bản, sắp xếp lại các nhà xuất bản theo đúng tiêu chí, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất vui mừng đến làm việc với Bộ TT&TT. Thủ tướng thân ái gửi đến các đồng chí lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành TT&TT những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Theo Thủ tướng, trong những năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đóng góp vào những thành tựu chung trong đó có vai trò rất quan trọng của Ngành TT&TT. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra. Trong hai năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), tăng trưởng kinh tế Ngành TT&TT tiếp tục đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn Ngành luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Ước doanh thu toàn ngành năm 2018 đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với năm 2017. Có thể nói, Ngành TT&TT ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của Ngành TT&TT thời gian qua:
Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, xây dựng tạo lập cơ sở hạ tầng mạng lưới tốc độ cao, băng thông rộng, vùng phủ lớn. Hệ thống cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trong cả nước; sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ 98% dân số; hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới. Các dịch vụ viễn thông ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Hạ tầng mạng lưới viễn thông đã góp phần hiện thực hóa ứng dụng “số” vào các hoạt động đời sống kinh tế xã hội. Ngành công nghiệp điện tử, viễn thông có bước phát triển mới. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất như Tập đoàn Viettel, VNPT và nhiều doanh nghiệp khác.
Công nghiệp CNTT đã trở thành một ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh (đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua). Riêng năm 2017 tăng khoảng 35,3%, doanh thu đạt 91,6 tỷ USD (trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 81,6 tỷ, phần mềm 3,8 tỷ, dịch vụ CNTT 5,4 tỷ, và nội dung số 800 triệu USD, xuất khẩu 83,4 tỷ USD), đóng góp 39.253 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đây là kết quả của những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Ngành, của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, của đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ cũng như và người lao động của toàn Ngành CNTT.
Các lĩnh vực bưu chính, quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản, in phát hành tiếp tục có bước phát triển, phục vụ hiệu quả cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc sai sự thật, thông tin xấu, độc; đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng cũng như nâng cao dân trí, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có vai trò hết sức quan trọng (được coi là môi trường chiến lược thứ năm của một quốc gia, bên cạnh không gian trên bộ, trên không, trên biển và vũ trụ). Thủ tướng đánh giá cao việc hình thành lực lượng chuyên trách với đội ngũ kỹ thuật tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm tại một số Bộ với vai trò quan trọng của Bộ TT&TT trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể, về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2017 đạt 86.13 điểm, xếp hạng 02/19 bộ, tăng 03 bậc so với năm 2016; hoạt động công bố, công khai thủ tục hành chính của Bộ đã có nhiều cải thiện, đặc biệt đã công bố chuẩn hóa Bộ TTHC của Bộ gồm 237 TTHC.
Bên cạnh những kết quả đạt được Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Ngành TT&TT như: Triển khai quy hoạch báo chí chậm; quản lý báo chí, mạng xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập; thông tin phản bác, xử lý khủng hoảng truyền thông chưa kịp thời; Công tác tham mưu cơ chế, chính sách vẫn còn những trường hợp chậm, chất lượng chưa cao thậm chí còn để xảy ra sai sót, vi phạm; tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện còn cao; Công tác cải cách hành chính của Bộ có mặt còn chậm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý: CMCN4.0 là xu thế tất yếu toàn cầu, là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất và chất lượng cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội quý giá để chúng ta đi tắt, đón đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong CMCN4.0, nhiều công nghệ mới phát triển với tốc độ rất nhanh (trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), tự động hóa, robot, Dữ liệu lớn…), làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động trên mọi lĩnh vực. Việc đổi mới tư duy về quản trị nhà nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn phải bảo vệ cuộc sống của người dân an toàn trong không gian số.
Để bắt kịp CMCN 4.0, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cần tiến hành số hóa quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp của cả khu vực công và tư. Bộ TT&TT phải giữ vai trò dẫn dắt công tác này, đi đầu trong đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành những nước đi đầu trong CMCN4.0.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tại buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và toàn thể người lao động thuộc Bộ TT&TT phải đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, trên dưới một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh của Bộ - là cơ quan vừa quản lý, phát triển công nghệ, công nghiệp, vừa là kinh tế và tuyên truyền, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, khát vọng dân tộc, hun đúc sức mạnh tinh thần của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí và đồng ý với các phương hướng và kiến nghị của Bộ và nhấn mạnh một số trọng tâm sau:
Thứ nhất, Bộ cần khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự quản lý chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, phòng, chống tham nhũng, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, những vấn đề dư luận quan tâm, đấu tranh phản bác đối với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các vi phạm.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí nâng cao vai trò quản lý, thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo, người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trách nhiệm xã hội và ý thức công dân.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội; Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội để kịp thời có cảnh báo và giải pháp ứng phó.
Tăng cường công tác quản lý đối với các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản, bảo đảm theo đúng các quy định của Luật xuất bản, khắc phục các sai sót trong hoạt động xuất bản.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông: Khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G; Đầu tư, mua sắm, đặc biệt là thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước; Phối hợp với các Bộ, ngành ưu tiên nghiên cứu triển khai thực hiện việc xây dựng hạ tầng 4.0 về nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật phục vụ phát triển kinh tế số của đất nước trong giai đoạn tiếp theo; Chỉ đạo xây dựng một số doanh nghiệp dẫn đầu, đầu tầu cho cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này; từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm. Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ thông tin mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”, đưa nước ta thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp CNTT không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh...
Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng; kịp thời cảnh báo ứng cứu hiệu quả các sự cố an toàn thông tin mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ an toàn thông tin mạng đủ mạnh để ứng cứu kịp thời các sự cố an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin quốc gia. Chuẩn bị tổ chức triển khai tốt Luật An ninh mạng sau khi có hiệu lực.
Thứ năm, chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế đầu tư mua sắm, thuê sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, định danh điện tử cho tổ chức cá nhân, về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức. Khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…Triển khai các giải pháp bảo đảm nâng cao chỉ số hạ tầng viễn thông theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Thứ bảy, về cải cách thủ tục hành chính: Thường xuyên rà soát, chuẩn hóa các dữ liệu thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính; Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời xử lý các phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp và công khai kết quả xử lý trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách, biện pháp khai thác, sử dụng hiệu quả mạng bưu chính công cộng, chú trọng đến triển khai cung ứng dịch vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích. Đẩy mạnh thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, chính sách tiền lương, đề án vị trí việc làm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nghe giới thiệu về Trung tâm Giám sát An toàn Thông tin mạng Quốc gia
Bộ TT&TT kính tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức tranh ghép tem về Bác Hồ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi thông tin và truyền thông là một trong những phương tiện chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật quan trọng, đồng thời xác định viễn thông - công nghệ thông tin là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hệ thống kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thông tin và truyền thông đã giúp công tác Lãnh đạo của Đảng, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiệu quả hơn, đồng thời đem lại nhiều tiện ích cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.
Nhân dịp buổi làm việc hôm nay, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Ngành TT&TT luôn xứng đáng với 10 chữ vàng truyền thống của Ngành: “Trung thành, Dũng cảm, Tận tuỵ, Sáng tạo, Nghĩa tình”, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng nhau chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước. Chính phủ sẽ luôn đồng hành với Ngành TT&TT trên con đường khó khăn nhưng đầy ý nghĩa này.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tất cả các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được đưa vào các kế hoạch, đề án của Bộ TT&TT. Đặc biệt là mong ước của Thủ tướng: Bộ TT&TT là Bộ về công nghệ và truyền thông, góp phần đưa đất nước phát triển, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới./.