Ứng dụng mạnh mẽ CNTT
Giai đoạn 2011 - 2015, Thừa Thiên Huế xác định cải cách hành chính (CCHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ để áp dụng, hình thành mô hình áp dụng mang tính toàn diện từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan hành chính đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức (CBCC).
Tạo đột phá trong triển khai thực hiện, UBND tỉnh ban hành 5 bộ quy chế, quy trình điều chỉnh thống nhất các công việc trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, kèm hệ thống biểu mẫu cụ thể theo chuẩn ISO để giải quyết quy trình, công việc và chế tài thực hiện. Từ đó, việc ứng dụng phần mềm được đồng bộ và nhất quán, kết quả là ứng dụng thành công cho 5 hệ thống phần mềm dùng chung gồm: Quản lý văn bản và điều hành, Quản lý hồ sơ một cửa, theo dõi ý kiến chỉ đạo và văn bản ban hành, Tiếp dân - giải quyết đơn thư khiếu nại và tố cáo, Đăng ký - xếp lịch và gửi giấy mời qua mạng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, để tạo thói quen trong ứng dụng CNTT và các phần mềm thì lãnh đạo phải thật sự tiên phong, gương mẫu đi đầu; CBCC phải xem ứng dụng tin học là công cụ hỗ trợ tích cực cho công việc.
Để thực hiện thành công, tỉnh đã thực hiện phương châm “từ điểm đến diện”, “từ vận động, khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc”, từng bước trở thành nhu cầu không thể thiếu của công chức - Công chức điện tử. Nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh đã tự xây dựng và ban hành các bộ quy định, quy chế riêng để chuẩn hóa việc giải quyết công việc.
Hiện, Thừa Thiên Huế đang quy hoạch lại hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo liên thông 4 cấp và bảo đảm 100% cơ quan, đơn vị, CBCC được cấp và sử dụng chữ ký điện tử để tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử. Đã xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung và triển khai hệ thống ứng dụng trong cơ quan nhà nước, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành; 100% cơ quan hành chính nhà nước có mạng LAN; mạng WAN được kết nối toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước với trên 350 điểm kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đã thực hiện chuyển đổi sang mạng truyền số liệu chuyên dùng CP Net với 100% cơ quan hành chính nhà nước kết nối với mạng CP Net; mạng internet triển khai hệ thống truy nhập internet tập trung thông qua 1 điểm duy nhất, đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn hệ thống thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ diễn thuyết tại hội thảo
Xây dựng Chính phủ điện tử
Thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu tiếp thu và hệ thống hóa việc ứng dụng CNTT theo thực tiễn của địa phương. Với đặc thù có cả khu vực đô thị và nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử và kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho hay, việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đã trải qua quá trình dài, từ phát triển diện rộng chuyển sang phát triển chiều sâu và tiếp theo là nền tảng thông minh. Quan điểm và mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh là lấy người dân làm trung tâm, xây dựng chính quyền phục vụ; phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử.
Theo đó, giai đoạn 2018-2020, phát triển dịch vụ thông minh sẽ được tập trung cho địa bàn TP. Huế và thực hiện thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, hoàn chỉnh kiến trúc ICT và hoàn thành đầu tư hạ tầng cơ bản. Trong đó, xây dựng và vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm dữ liệu tập trung, hệ thống cảm biến như camera, quan trắc môi trường; tập trung phát triển một số lĩnh vực thế mạnh như y tế, giáo dục, du lịch; chuyển đổi số hệ thống bản đồ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng trên nền GIS 3D.
Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục hoàn thiện Kiến trúc ICT đô thị thông minh, tạo được nền tảng cốt lõi của đô thị thông minh, đáp ứng điều kiện triển khai Internet vạn vật (IoT) và xử lý dữ liệu lớn (BigData); áp dụng chọn lọc và hiệu quả thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dịch vụ đô thị thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT là nền tảng xây dựng Công chức điện tử, Cơ quan điện tử, Doanh nghiệp điện tử, Công dân điện tử. Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh là nhu cầu và xu thế phát triển tất yếu.