Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành xuất bản phẩm trên toàn quốc.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2017 là năm tiếp tục đánh dấu sự thay đổi, chuyển biến của ngành Xuất bản theo hướng ngày càng tích cực. Các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận.
Theo đó, năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản 62.800 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 387 tên xuất bản phẩm điện tử. Với xuất bản phẩm dạng sách in, đã xuất bản 30.851 cuốn với 312.510.500 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử: 217 xuất bản phẩm với 3.757.261 lượt bán; các xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại: 1.800 xuất bản phẩm với 33.000.000 bản; mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 3,3 bản sách/người/năm.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh của các nhà xuất bản có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2016. Cụ thể như: Tổng doanh thu: 2.892,585 tỷ đồng (tăng 31,4% so với năm 2016); Nộp ngân sách: 109,311 tỷ đồng (tăng 59% so với năm 2016). Điều đáng mừng trong năm qua, nhiều nhà xuất bản chấm dứt tình trạng hoạt động cầm chừng, thua lỗ, chuyển sang giai đoạn phát triển, kinh doanh ổn định và có lãi. So với năm 2016, nhiều nhà xuất bản kinh doanh hiệu quả và có lãi, điển hình như: Nhà xuất bản Trẻ (13,700 tỷ đồng), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia -Sự thật (19,722 tỷ đồng), Nhà xuất bản Kim Đồng (30,350 tỷ), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (104,793 tỷ).
Về nội dung xuất bản phẩm, ngoài việc liên tục đổi mới, đầu tư về mặt hình thức, các nhà xuất bản ngày càng chú trọng vào việc nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân và đã tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Nội dung xuất bản phẩm luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của năm và phục vụ kịp thời các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được xuất bản; tiếp tục ra mắt bạn đọc mảng sách về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giới thiệu các tấm gương điển hình trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước...
Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, tổng số sách phát hành trên cả nước: 415,6 triệu bản; số xuất bản phẩm khác phát hành: 114,8 triệu bản; xuất bản phẩm xuất - nhập khẩu: Xuất khẩu: 400 nghìn bản sách; 6 triệu tờ báo, tạp chí, nhập khẩu gần 30 triệu bản sách; hơn 11 triệu đĩa CD, DVD; hơn 7 triệu tờ báo, tạp chí.
Về mạng lưới phát hành, mặc dù năm 2017 có nhiều khó khăn nhưng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm tại địa bàn các tỉnh, thành phố, quận, huyện về cơ bản vẫn được duy trì và phát triển. Nhiều đơn vị phát hành sách đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, năng động, tích cực tìm các biện pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Song song với việc xuất bản, ngành Xuất bản đã tích cực quảng bá, tham gia triển lãm - hội chợ sách. Năm 2017 là năm có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng các cuộc triển lãm - hội chợ sách trong nước, tạo sức lan tỏa và hiệu ứng nên đã thu hút được đông đảo bạn đọc, qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động triển lãm, hội chợ.
Cũng trong năm qua, công tác đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phát hiện và xử lý 155 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản (giảm 5% so với năm 2016).
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông cho rằng, các nhà xuất bản, đặc biệt là lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản cần quán triệt ý thức làm sách là làm tư tưởng – văn hóa, là đưa tri thức đến với xã hội, là xây dựng đạo đức, phát triển nhân cách của mỗi người, là cầu nối để Việt Nam hội nhập với thế giới….Đề làm được điều này, các nhà xuất bản cần thực hiện nghiêm quy trình xuất bản, quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết, chấm dứt tình trạng buông lỏng để đối tác liên kết chi phối; đồng thời các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản nhà xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện nghiêm các Quyết định của Ban Bí thư ban hàng ngày 26/1/2010, như Quyết định 281, 282, 283 và Luật Xuất bản; tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giao ban xuất bản;…
Về kinh tế xuất bản, theo đồng chí Võ Văn Phuông, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị xuất bản, việc giải quyết những bất cập về cơ chế, chính sách có ý nghĩa quyết định. Các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản nhà xuất bản cần đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản bảo đảm phù hợp, hiệu quả; kiên quyết giải thể các nhà xuất bản hoạt động yếu kém, có nhiều sai phạm…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông trao tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT cho các đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành Xuất bản Việt Nam đã có nhiều cố gắng phát huy sức mạnh, nỗ lực phấn đấu để khắc phục khó khăn, hoạt động ổn định và có bước phát triển mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản đã được chuẩn hóa, đào tạo bài bản và không ngừng được trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị. Tính đến nay, đã có gần 1.300 biên tập viên trên cả nước được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Trong đó, không có biên tập viên nào để xảy ra vi phạm đến mức bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Nhờ chất lượng biên tập viên ngày càng được nâng cao mà thời gian vừa qua, không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng nào trong hoạt động xuất bản gây ảnh hưởng và tác động xấu đến xã hội…
Trong những năm qua, mặc dù số lượng xuất bản phẩm tuy không tăng đột biến, nhưng chất lượng đã không ngừng được nâng lên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu đọc của xã hội, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam. Hiện tượng sách lậu, sách vi phạm bản quyền, sách liên kết kém chất lượng đã giảm đáng kể. Đặc biệt, năm 2017, Bộ TT&TT tích cực rà soát, cắt giảm, bãi bỏ 14 quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực in, như: Điều kiện kinh doanh đối với sản phẩm in bao bì; bãi bỏ quy định về điều kiện bảo vệ môi trường; bãi bỏ quy định hoạt động hợp tác chế bản, in và gia công sau in của các cơ sở in; bãi bỏ quy định về người đứng đầu cơ sở in phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in; bãi bỏ quy định về cấp giấy phép nhập khẩu đối với các máy móc chế bản và máy móc gia công sau in; bãi bỏ quy định về cấp giấy phép in gia công cho nước ngoài; bãi bỏ quy định về hạn chế đối tượng sử dụng máy photocopy màu… nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động của các cơ sở in. Cùng với đó là những nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những sai phạm để lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản. Đây có thể xem là điểm tiến bộ vượt bậc, rất đáng ghi nhận của ngành Xuất bản trong thời gian qua.
Đối với lĩnh vực Phát hành, hệ thống phát hành sách trên toàn quốc tiếp tục phát triển, không chỉ có nhà sách, hiệu sách có quy mô nhỏ, mà ngày càng nhiều nhà sách, siêu thị sách có quy mô lớn phát triển rộng khắp ở các thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Bình Dương… và một số thành phố lớn khác trên toàn quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng các nhà sách tăng lên nhanh chóng, từ 13.000 cơ sở phát hành bao gồm các nhà sách, hiệu sách, siêu thị sách lên đến 14.000 cơ sở phát hành trên toàn quốc vào năm 2017.
Với những dẫn chứng tiêu biểu như đã nêu trên cho thấy ngành Xuất bản Việt Nam không chỉ dừng lại ở giai đoạn chấm dứt khủng hoảng, khó khăn mà đã có bước phát triển lên tầm cao mới hướng tới tương lai, với những thành tích rất đáng được ghi nhận.
Mặc dù mới được tổ chức 5 năm trở lại đây, nhưng Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên, một nét đẹp được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đa số các tầng lớp nhân dân. Điều này cho thấy ngành Xuất bản Việt Nam đang ngày càng gần gũi, gắn chặt hơn với đời sống xã hội, góp phần quan trọng cho công cuộc nâng cao tri thức cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, để có được những bước phát triển tiếp theo và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động xuất bản, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu ngành xuất bản cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thành tựu đạt được trong giai đoạn vừa qua của toàn Ngành chỉ mới ở bước phát triển ban đầu, phần lớn vẫn đang ở giai đoạn vượt qua khó khăn, từng bước đi vào hoạt động chính quy, bài bản. Nhìn chung, cơ sở vật chất của ngành Xuất bản đang ở mức chưa ngang tầm nhiệm vụ. Số lượng nhà xuất bản hoạt động có quy mô, bài bản như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ chưa nhiều. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chủ quản trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà xuất bản.
Thứ hai, đối với chất lượng đội ngũ và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực: Mặc dù cơ quan chủ quản đã cố gắng bố trí cho nhà xuất bản những cán bộ trẻ, có tri thức, có chuyên môn và nhạy bén, năng động hơn, song xét về mặt tổng thể, chúng ta chưa có chiến lược lâu dài đào tạo đội ngũ nhân lực cho ngành Xuất bản. Hiện nay, đã có một số cơ sở đào tạo chuyên ngành Xuất bản trên cả nước, nhưng bản thân các cơ sở này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo như đội ngũ giáo viên, đối tượng tuyển sinh... Vì vậy, để xây dựng được chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực cho toàn Ngành, đề nghị các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như có chiến lược đào tạo bài bản hơn cho một Ngành giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, nhưng trong một thời gian dài chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành.
Thứ ba, ngoài một số nhà xuất bản vững mạnh như đã nêu trên, không ít nhà xuất bản khác vẫn đang chật vật, loay hoay tìm bước đi trong giai đoạn mới. Ngoài việcchưa đảm bảo về cơ sở vật chất, về nguồn lực, thì các nhà xuất bản vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng chiến lược, quy trình hoạt động theo hướng hiện đại và đặc biệt là xây dựng thương hiệu của nhà xuất bản.
Thứ tư, trong thời gian tới các cơ quan chủ quản, các cơ quan, Ban ngành, các địa phương cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động xuất bản theo đúng tinh thần của Luật Xuất bản 2012, Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản Luật, Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh theo hướng cắt giảm, bãi bỏ những quy định, điều kiện, thủ tục không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động xuất bản, in và phát hành; tạo điều kiện tốt hơn cho các hoạt động của ngành Xuất bản, In và Phát hành. Tăng cường thực hiện xã hội hóa cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và các Sở TT&TT trên cả nước cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thực sự chung tay góp sức cùng xã hội xây dựng ngành Xuất bản phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản