Một số chỉ tiêu quan trọng về cải cách hành chính được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra trong năm 2018 gồm: Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện các thể chế được ban hành; 100% thủ tục hành chính (TTHC) được quy trình hóa theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015 theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; đảm bảo mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về TTHC đạt trên 80%; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt trên 80%; 100% TTHC được đưa vào tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) cấp xã (trừ các TTHC đặc thù); 50% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên, trong đó có 20% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu tối thiểu 30% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giao trả trực tuyến ở mức độ 4;
Hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ phận, đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; 100% các cơ quan, đơn vị, bộ phận ban hành quy chế làm việc trên phương châm: “Làm việc theo quy trình, giải quyết công việc theo quy định, điều hành theo quy chế”; 100% cơ quan nhà nước bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh vị trí việc làm khi được phê duyệt; Phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bằng và 90% ở vùng miền núi đạt tiêu chuẩn theo chức danh; số công chức, viên chức được tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định; Tăng cường các biện pháp để quản lý nguồn thu và đảm bảo nguồn thu, tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội chi đầu tư phát triển, thực hiện cân đối ngân sách Tỉnh theo hướng tích cực, đảm bảo tỷ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển, thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn ngân sách, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội;
100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai ứng dụng văn bản điện tử liên thông 4 cấp trên phần mềm quản lý và điều hành; 100% các cơ quan hành chính có hệ thống mạng thông tin nội bộ, các văn bản, tài liệu chính thức (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan hành chính được giao dịch hoàn toàn dưới dạng điện tử; 100% lãnh đạo các đơn vị sử dụng một số ứng dụng dùng chung của tỉnh trên thiết bị máy tính bảng để xử lý và điều hành công việc; 100% các đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối cổng dịch vụ công thống nhất toàn tỉnh và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh đạt trên 60%, các dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực khác đạt tối thiểu 30% được thực hiện qua mạng; 100% các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cấp xã thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), quản lý chất lượng theo hệ thống ISO điện tử; 100% sở, ban, ngành và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND cấp huyện, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; UBND cấp xã xây dựng Kế hoạch CCHC năm 2018 phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị;...
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tạo sự đột phá về kỷ cương, kỷ luật hành chính, hướng tới nền hành chính kiểu mẫu; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống, văn hóa ứng xử chuẩn mực nơi công sở, nơi cư trú, địa điểm công cộng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.