Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Bộ TT&TT yêu cầu Apple, Google gỡ bỏ game vi phạm pháp luật Việt Nam
Ngày cập nhật 29/12/2017
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo.

Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết đang yêu cầu Apple, Google gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm qui định, pháp luật Việt Nam.

Ngày  28/12/2017, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng năm 2017 tại TP.HCM.

Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trong những năm qua, ngành dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game) là một trong những ngành góp phần tạo nhiều việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game trong nước cơ bản chấp hành, tuân thủ qui định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, còn một số tồn tại vi phạm.

Cụ thể, giới thiệu game khi chưa được phê duyệt nội dung, kịch bản vi phạm các qui định pháp luật, nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng khi triển khai chưa đúng với nội dung đã được cấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa có biện pháp quản lý thời gian của người chơi từ 00h đến 24h hàng ngày. Chưa triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để thực hiện đúng thông tin cá nhân người chơi game.

Về tình hình xử phạt vi phạm, trong năm 2016, Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt 16 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là: 1.299.000.000 đồng. Năm 2017, tiếp tục xử phạt 12 doanh nghiệp với tổng số tiền là 680.000.000 đồng.

Các vi phạm chủ yếu là cung cấp dịch vụ game khi chưa được cấp phép, phê duyệt kịch bản của cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, game online chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc với 79,16% , Việt Nam chỉ chiếm 9,03% và nguồn gốc khác là 11,81%.

Theo Cục PTTH&TTĐT, nguyên nhân chủ yếu có tình trạng này là trình độ, nguồn tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, không đủ sức đầu tư, phát triển dòng game thuần Việt.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có qui định cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất trò chơi phù hợp văn hóa, lịch sử để phục vụ nhu cầu trong nước.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: "Hiện nay Cục đang triển khai yêu cầu Apple, Google gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm qui định pháp luật của Việt Nam."

“Từ tháng 7/2017 đến nay, Cục đang đẩy mạnh việc yêu cầu Apple, Google gỡ bỏ các loại game không phép, vi phạm qui định pháp luật của Việt Nam trong kho ứng dụng của 2 đơn vị này”, ông Quang nói.

Doanh nghiệp phải có ý thức dân tộc

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp khá đa dạng về lĩnh vực game và các cơ quan quản lý nhà nước để trao đổi cởi mở.

“Khi chúng ta ngồi lại với nhau, cần phải xem xét phần mất đi doanh thu từ game online là do cơ quan nhà nước làm mất bao nhiêu, phần doanh nghiệp làm mất là bao nhiêu để tìm ra giải pháp”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, cơ quan chức năng cần làm thế nào để doanh nghiệp game trong nước tăng nguồn thu lên, đồng thời hạn chế những nguồn thu không công bằng của các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Liên quan đến việc mua bản quyền, theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, hầu hết doanh nghiệp game đều mua của nước ngoài nhưng lại không liên kết được với nhau, dẫn đến tình trạng cạnh tranh nội bộ.

“Trước hết, ý thức cộng đồng trong mỗi doanh nghiệp để đặt lợi ích dân tộc lên trên là chưa có. Vì vậy để phát triển, các doanh nghiệp phải đặt lợi ích dân tộc, xã hội lên trên”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Bên cạnh đó, về đề xuất thành lập Hiệp hội game, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng đây là điều cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc kỹ về vấn đề hiệu quả sau khi thành lập hiệp hội.

“Đề xuất này tôi cho là hay, nhưng cần phải cân nhắc là hội sẽ giải quyết được vấn đề gì không? Hay chỉ hình thành ra như thế rồi không giải quyết được gì”, Thứ trưởng Bộ TT&TT đặt vấn đề.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ game cũng bày tỏ những khó khăn trong cơ chế chính sách để phát triển lĩnh vực này./.

 

Theo mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.346.200
Hiện tại 2.826 khách