Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Sức lan tỏa từ Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Ngày cập nhật 14/12/2017

Các tư liệu trưng bày tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ, người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những bằng chứng lịch sử, những cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này, nhằm khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng.

Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền biển, đảo giai đoạn 2013-2017 sẽ diễn ra tại Thừa Thiên Huế vào 2 ngày 14 và 15/12/2017. Trong gần 5 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị lực lượng vũ trang triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo với những nội dung thiết thực, dưới nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt là tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, các quân khu, quân đoàn, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng hải quân, kiểm ngư; Triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề “Việt Nam đất nước, con người – Nhìn từ biển, đảo” tại nước ngoài.

“Những bằng chứng lịch sử và pháp lý Hoàng Sa – Trường Sa” từ đất liền đến hải đảo

Từ một cuộc triển lãm được tổ chức vào ngày 20/01/2013 tại thành phố Đà Nẵng với quy mô nhỏ, nội dung trưng bày tập trung phản ánh lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng), Bộ TT&TT đã làm việc với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa để nghiên cứu và sao chụp những tư liệu, hình ảnh và bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của triển lãm này để chuẩn bị cho kế hoạch triển lãm lâu dài và sâu rộng trên cả nước. Bộ TT&TT cũng liên hệ với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và một số cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, các tổ chức, tập thể, cá nhân ở trong và ngoài nước để sưu tầm thêm tư liệu phục vụ triển lãm.

Đồng thời, Hội đồng thẩm định quốc gia được thành lập gồm đại diện: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội… để tuyển chọn, thẩm định nội dung các tư liệu trưng bày triển lãm. Qua đó, tiến hành nghiên cứu, dịch thuật, sắp xếp các tư liệu một cách khoa học nhằm cung cấp thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách tốt nhất, dễ hiểu nhất đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Nhân Tuần lễ biển đảo Việt Nam năm 2013, Bộ TT&TT chọn thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh là địa điểm đầu tiên để tổ chức triển lãm. Triển lãm khai mạc vào ngày 02/6/2013, kéo dài 1 tuần, thu hút gần 5.000 lượt người xem. Tại triển lãm này, lần đầu tiên 17 châu bản liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời Nguyễn (1802 - 1945)
được đưa ra trưng bày. Đây là những văn bản có tính pháp lý, khẳng định vương triều Nguyễn đã kế thừa quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà các triều đại quân chủ Việt Nam đã thực hiện từ hàng trăm năm trước, tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách liên tục và hòa bình. Những tư liệu quý này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng. Triển lãm cũng trưng bày những sản vật của các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là những “nắm cát” từ Hoàng Sa do các ngư dân miền Trung mang về và hiến tặng. 

Sau thành công của cuộc triển lãm tại Hà Tĩnh, Bộ TT&TT xác định đây là triển lãm quy mô, mang tầm quốc gia và xác định tên gọi chính thức cho triển lãm là: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”  và triển lãm bắt đầu hành trình lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng kiểm ngư.

Tại Hà Nội, triển lãm bổ sung nhiều “bản đồ chủ quyền” do kỹ sư Trần Thắng sưu tầm và trực tiếp mang từ Mỹ về. Tại thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm thu hút đông đảo người xem ngay từ lúc chưa khai mạc cho đến thời điểm cuối cùng trước giờ bế mạc. Nhiều người dân thành phố mang tên Bác vẫn không quên những ngày xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào thời điểm tháng 01/1974. Người dân đã mang tinh thần ấy đi xem triển lãm, một số bà con từ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tranh thủ ngày nghỉ về Sài Gòn xem triển lãm. Những dòng cảm tưởng của người xem ghi kín 2 cuốn sổ lưu niệm tại triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu trong lễ khai mạc: “Thái Nguyên là tỉnh trung du, không có biển, nhưng người dân Thái Nguyên luôn luôn quan tâm đến chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm này là cơ hội để người dân ATK, “thủ đô gió ngàn” của cuộc kháng chiến chống Pháp, hiểu thêm những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa”.

Nhiều cán bộ và nhân dân đến xem triển lãm

Đáp lại tấm lòng của chính quyền và người dân Thái Nguyên và các tỉnh trung du phía Bắc, hơn 30% tư liệu trưng bày tại triển lãm đã được bổ sung từ nguồn tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia, của Viện Nghiên cứu Hán – Nôm và những tài liệu, bản đồ do TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển KT–XH Đà Nẵng) vừa thu thập được trong chuyến đi sưu tầm tư liệu Hoàng Sa ở các nước Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp vào tháng 9/2013. 

Năm 2014, Bộ TT&TT tiếp tục đưa triển lãm đến các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk và Đà Nẵng (tháng 01/2014), Phú Yên (tháng 3/2014), huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa (tháng 4/2014), Quảng Ngãi (tháng 7/2014), Bắc Ninh và Quảng Nam (tháng 8/2014), Cà Mau (tháng 9/2014), Quảng Ninh (tháng 10/2014), Cao Bằng và Kiên Giang (tháng 12/2014).

Từ đầu năm 2015, Bộ TT&TT đã “tăng tốc” tổ chức các cuộc triển lãm tại các tỉnh Bình Thuận (tháng 01/2015) và Cần Thơ (tháng 3/2015). Sau 2 năm triển khai triển lãm, Bộ TT&TT đã tổ chức được 23 cuộc triển lãm tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đặc biệt có 8 cuộc triển lãm tổ chức ở các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Thành công của các cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TT&TT tổ chức trong giai đoạn 2013-2015 đã đặt dấu mốc quan trọng trong công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo được tiếng vang và lan tỏa khắp trong nước và ngoài nước. Các tư liệu trưng bày tại triển lãm đã cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ, người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những bằng chứng lịch sử, những cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này, khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia trong công chúng. Vì thế, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng các cuộc triển lãm này bằng việc cung cấp thông tin về các nguồn tư liệu liên quan đang lưu trữ trong các thư viện, bảo tàng, sưu tập cá nhân, trên các webpage trong và ngoài nước… để Ban Tổ chức triển lãm liên hệ sưu tầm, thu thập thêm tư liệu phục vụ triển lãm. Nhiều tư liệu quý đã được gửi đến Bộ TT&TT và đến các thành viên trong Ban Tổ chức triển lãm bằng nhiều phương tiện: thư tín, e-mail, các trang mạng xã hội… Nhờ đó mà các triển lãm về sau luôn được bổ sung nhiều tư liệu quý, bám sát chủ đề, kịp thời cập nhật thông tin sát với diễn biến về tình hình Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và trên Biển Đông.

Khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Thừa Thiên Huế

Tiếp theo đó, Bộ TT&TT chủ trì và phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức triển lãm tại 48 tỉnh, thành phố chưa tổ chức, gồm: 18/28 tỉnh, thành phố có biển, 14 tỉnh có biên giới với các nước láng giềng, 16 tỉnh trong nội địa, 8 Quân khu, 4 Quân đoàn, 5 Vùng Hải quân, 4 vùng Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư. Triển lãm cũng được tổ chức tại Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Séc.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT xuất bản ấn phẩm giới thiệu các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phục vụ cho việc Triển lãm và công tác tuyên truyền; Phát hành áp phích, tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Sản xuất phim, phóng sự tài liệu giới thiệu Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...

Đáng chú ý là một số hiện vật lớn không có điều kiện trưng bày tại triển lãm đã được số hóa dưới dạng mô hình 3D, điển hình là mô hình tàu Hải đội Hoàng Sa và Tượng đài Hải đội Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn. Mô hình này đều tích hợp thuyết minh và cho phép người dùng xoay, zoom và chạm tay để tìm hiểu các chi tiết của hiện vật. Hình thức tương tác này tạo ra một sức hấp dẫn mới, làm cho người xem như đang được tiếp cận trực tiếp với hiện vật trưng bày.

Điểm nhấn quan trọng của triển lãm là hệ thống Sa bàn số 3D về 9 đảo, 12 bãi đá trong quần đảo Trường Sa cung cấp thông tin đầy đủ về hình ảnh thực tế cùng thuyết minh tự động đã làm thay đổi phương thức tiếp cận thông tin của công chúng trong triển lãm từ thụ động một chiều sang chủ động tương tác. Chức năng tự động thống kê số lượng truy cập đến từng đảo đã giúp Ban Tổ chức có các số liệu để phân tích sự quan tâm của công chúng. Triển lãm số với chế độ thuyết minh tự động đã khắc phục được sự thiếu hụt thuyết minh viên khi lưu lượng khách tăng cao và không đi theo đoàn.

Đặc biệt, qua tổ chức công tác họp báo nên tại mỗi địa điểm diễn ra triển lãm đã có rất nhiều tin, bài viết giới thiệu về triển lãm, thu hút được đông đảo khách đến tham quan và tìm hiểu về triển lãm. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 5.000 tin, bài giới thiệu về triển lãm trên các phương tiện: truyền hình, báo viết, báo nói, báo điện tử, tạp chí,...

Để có thêm tư liệu nghiên cứu, tìm hiểu, Ban Tổ chức cũng cung cấp cho các đại biểu, phóng viên, khách tham quan triển lãm các ấn phẩm: Tài liệu tham khảo phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền về biển đảo; Luật biển Việt Nam – Hỏi và đáp; 100 câu hỏi đáp về biển, đảo Việt Nam; Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý; Việt Nam đất nước, con người – Nhìn từ biển, đảo…; Các tờ rơi: Tóm tắt nội dung triển lãm, Biển, đảo Việt Nam; các đĩa VCD, DVD phim tài liệu: Hoàng Sa, Trường Sa – Nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt, Biển, đảo Việt Nam – Nguồn cội tự bao đời,…

“Việt Nam đất nước, con người – Nhìn từ biển, đảo” ở nước ngoài

Đó là tên triển lảm ảnh, tư liệu nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam nói chung và biển, đảo Việt Nam nói riêng, đồng thời cung cấp thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của kiều bào ta ở nước ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Bộ TT&TT đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và tại Cộng hòa Pháp tổ chức thành công 2 cuộc triển lãm tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc (tháng 7/2017) và tại thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp (tháng 10/2017) gồm 3 chủ đề:

“Biển – Không gian sinh tồn của cộng đồng người Việt Nam”: Giới thiệu những hình ảnh về môi trường và tài nguyên biển, đảo của Việt Nam; tiềm năng khai thác nguồn tài nguyên ấy để phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch biển, đảo.

“Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”: Giới thiệu những văn bản, bản đồ, hình ảnh,… là nguồn tư liệu lịch sử và có giá trị pháp lý, cùng các hiện vật trực quan là những bằng chứng vững chắc của Việt Nam, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Việt Nam: Đất nước, con người qua góc nhìn báo chí”: Giới thiệu hình ảnh về 28 tỉnh, thành phố có biển của Việt Nam; Về các di sản thế giới ở Việt Nam
(di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản văn hóa phi vật thể); Những hình ảnh ghi lại vẻ đẹp hoang sơ của phong cảnh thiên nhiên và con người ở khắp các vùng, miền của đất nước Việt Nam dưới góc nhìn báo chí.

Qua hai cuộc triển lãm ở Cộng hòa Séc và Cộng hòa Pháp đã giới thiệu khái quát về lịch sử khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, thu hút sự quan tâm của người dân hai nước sở tại, bạn bè quốc tế, nhất là đối với kiều bào ta đang sinh sống, làm việc, học tập ở hai nước này và với du khách quốc tế để đồng bào ta có thêm những thông tin, sự hiểu biết về đất nước, con người và biển, đảo Việt Nam.

Sức lan tỏa

Bên cạnh việc tổ chức triển lãm, Bộ TT&TT còn phối hợp với các tỉnh, thành phố, đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho cán bộ các ban, sở, ngành tại địa phương; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương tổ chức triển lãm nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức cần thiết về biển, đảo. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Nội dung các chuyên đề được các chuyên gia, học giả trình bày tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức bao gồm: Cung cấp các thông tin, kiến thức về biển, đảo và cập nhật tình hình liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, định hướng công tác tuyên truyền biển, đảo trong thời gian tới.

 Công nghệ 3D hiện đại đem lại những trải nghiệm mới lạ cho các đại biểu tham quan triển lãm

Các chuyên đề được các chuyên gia, học giả chuyên nghiên cứu về Biển Đông và lịch sử chủ quyền biển, đảo Việt Nam trình bày một cách thuyết phục, với những chứng cứ cụ thể, khoa học và xác đáng về chủ quyền biển, đảo nước ta, cũng như quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết, xử lý những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Qua đó, góp phần giúp đội ngũ lãnh đạo, cán bộ các ban, sở, ngành tại địa phương; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức triển lãm; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền biển, đảo.

Bộ TT&TT xác định rõ định hướng và mục tiêu của công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới nhằm tuyên truyền về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển cũng như đẩy mạnh công tác đấu tranh dư luận nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng tư liệu

“Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” cho tỉnh Thừa Thiên Huế

Sau khi kết thúc tất cả các triển lãm vừa qua, toàn bộ tài liệu được đưa ra trưng bày, triển lãm gồm: tư liệu văn bản, bản đồ, hình ảnh, tranh cổ động, những phương tiện, vật dụng và phần mềm phục vụ triển lãm số 3D,... đã được Bộ TT&TT bàn giao cho các địa phương, đơn vị tiếp nhận nhằm trưng bày, tổ chức triển lãm lưu động tại cơ sở phục vụ công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam ở địa phương, đơn vị mình một cách thiết thực, sâu rộng và có hiệu quả. 

An Nhiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.346.889
Hiện tại 3.050 khách