Hội thảo chuyên đề nằm trong sự kiện Triển lãm – Hội thảo quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” do Ban kinh tế Trung ương phối hợp Tập đoàn IDG tổ chức.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, tại Việt Nam, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh và trên phạm vi rộng lớn. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% năm 2009 lên 36,6% năm 2016 và đến năm 2020 dự kiến sẽ là 45%. Sự phát triển của hạ tầng ICT bước đầu đáp ứng xu thế phát triển đô thị thông minh.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang gặp phải những khó khăn tương tự như các nước trên thế giới trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, nhất là những nước có hiện trạng kinh tế, xã hội, quản lý đô thị tương tự Việt Nam.
Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nghiên cứu về đô thị thông minh thông qua tổ chức một số hội thảo chuyên đề về đô thị thông minh, tham gia các hội thảo quốc tế và quốc gia do các hiệp hội tổ chức để chia sẻ các nội dung nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về đô thị thông minh.
Thứ trưởng cho biết, đến nay, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo nội dung hướng dẫn các nguyên tắc, định hướng về xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam và đang lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành. Về cơ bản nội dung hướng dẫn được xây dựng trên các khuyến nghị về xây dựng đô thị thông minh của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như: ITU, ISO, BSI (Anh), Mỹ… kết hợp với những nghiên cứu, triển khai bước đầu về đô thị thông minh ở Việt Nam của một số địa phương, doanh nghiệp ICT, đơn vị nghiên cứu… Hướng dẫn do Bộ đang dự thảo bao gồm những khái niệm, mục tiêu tổng quát, các nguyên tắc chung, định hướng Kiến trúc ICT, một số nội dung cơ bản trong xây dựng đô thị thông minh. Dự kiến, quý II năm 2018 sẽ hoàn thành dự thảo đầu tiên của bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh, Thứ trưởng cho biết thêm.
Sau khi đã có hướng dẫn, Bộ TT&TT sẽ thử nghiệm ở một số địa phương để hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh phiên bản 1.0. Qua thực tiễn áp dụng, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tiếp tục hoàn thiện ở các phiên bản tiếp theo.
Hiện nay, đã có hơn 20 địa phương trong cả nước đang xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh, một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như: TPHCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương…
Toàn cảnh Hội nghị
Về kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng đô thị thông minh, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định: Xây dựng đô thị thông minh đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới, các nước phát triển cũng như đang phát triển. Tuy nhiên, “bài học thành công của nơi này lại không dễ sao chép, áp dụng ở nơi khác do có sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là mô hình tổ chức quản lý đô thị”.
Tuy nhiên, tựu chung lại, thế giới đã tổng kết được những bài học kinh nghiệm sau trong xây dựng đô thị thông minh: Phải lấy người dân làm trung tâm, ICT chỉ là phương tiện; Phải hình thành môi trường pháp lý về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu mở cho doanh nghiệp khai thác phát triển dịch vụ; Về tổ chức đô thị thông minh, cần kết hợp cả hai cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó chính quyền địa phương đóng vai trò chủ động; Về thị trường, cần tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp có cơ hội phát triển trong xây dựng đô thị thông minh nhưng vẫn cân bằng được lợi ích giữa ba chủ thể: Chính quyền-người dân-doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, đại diện đến từ Hiệp hội thương mại châu Âu tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các thành phố thông minh ở châu Âu, đại diện Schneider Electric giới thiệu giải pháp xây dựng các tòa nhà thông minh tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, đại diện Thành ủy TP HCM giới thiệu tầm nhìn và kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh tại TP HCM.