Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Thừa Thiên Huế: Hiện đại nền hành chính thông qua dịch vụ hành chính công
Ngày cập nhật 03/11/2017

Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung, thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của tổ chức và công dân do nhà nước trực tiếp thực hiện hoặc giao cho các cơ sở ngoài nhà nước thực hiện nhằm mục tiêu hiệu quả và công bằng.

Cung ứng dịch vụ công

Xét theo lĩnh vực cung ứng dịch vụ, dịch vụ công được chia làm 3 loại: dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp; dịch vụ công trong lĩnh vực công ích và dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính nhà nước hay còn gọi là dịch vụ hành chính công. Căn cứ vào tính chất phục vụ của dịch vụ công, có thể phân định ra hai loại: Loại thứ nhất : gọi là dịch vụ công cộng, là các hoạt động phục vụ các lợi ích chung, thiết yếu của số đông hay của cộng đồng. Dịch vụ công cộng có thể bao gồm nhiều loại khác nhau như dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ công ích, dịch vụ công phục vụ sản xuất. Loại thứ hai có thể gọi là dịch vụ hành chính công, là loại hình dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện để phục vụ các quyền và lợi ích cơ bản của tổ chức và công dân dựa vào thẩm quyền hành chính pháp lý của nhà nước.

Dịch vụ công bao gồm các loại hình dịch vụ khác nhau về tính chất, song có một số đặc trưng chủ yếu như: là các hoạt động có tính chất phục vụ trực tiếp; đáp ứng các lợi ích chung, thiết yếu của cộng đồng, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân, do nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội.

Tuy nhiên, đối với dịch vụ công thì vai trò của nhà nước hết sức quan trọng. Nhà nước trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ công mà khu vực tư nhân không thể và không muốn tham gia. Các dịch vụ này thường khó xác định đầu ra cụ thể, đòi hỏi nguồn lực lớn và không thu được lợi nhuận hoặc những lĩnh vực có tính nhạy cảm về chính trị mà nhà nước cần nắm giữ để bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Nhà nước can thiệp một cách hợp lý vào các tổ chức cung ứng dịch vụ công của các cơ sở thuộc khu vực tư nhân. Tuy nhiên, ngay cả khi các dịch vụ công do khu vực tư nhân trực tiếp cung ứng thì nhà nước vẫn là chủ thể chịu trách nhiệm trước xã hội về dịch vụ này. Nhà nước thực hiện sự định hướng phát triển, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế và kiểm tra giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ công của các tổ chức này.

Qua đó, bước đầu xác định rõ hơn về phạm vi dịch vụ công mà nhà nước phải chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ hoặc một phần. Quá trình nhận thức và lựa chọn mô hình quản lý nhà nước đối với dịch vụ công từng bước phát triển. Trong đó, đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, phương thức sử dụng và cơ cấu nguồn vốn theo hướng tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia. Cơ chế quản lý đối với đơn vị công lập và ngoài công lập cung ứng dịch vụ công từng bước được đổi mới theo hướng phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện từng bước chế độ trợ cấp cho người nghèo, bảo đảm quyền lợi và cơ hội thụ hưởng dịch vụ công cho các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Bước đầu thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, phục vụ nhu cầu người dân. Công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra xử lý đối với các vi phạm trên lĩnh vực dịch vụ công được tăng cường hơn.

Theo đó, chính phủ đã nghiên cứu ban hành các chính sách và quy định làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao... Kết quả là hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ công ngoài công lập ngày càng phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực này, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhìn chung, người dân đã được thụ hưởng những điều kiện giáo dục, văn hóa, y tế tốt hơn. Nhiều nơi đã áp dụng được các phương tiện kỹ thuật điện tử, tin học nhằm nâng chất lượng dịch vụ như tổ chức đấu thầu các dự án chi tiêu công, đăng ký cấp phép kinh doanh, cấp phép đầu tư, đăng ký xe... người dân và doanh nghiệp được tạo thuận lợi và dễ dàng hơn trong một số việc cần giải quyết với cơ quan nhà nước, như đăng ký kinh doanh, làm thủ tục hộ tịch, tìm hiểu pháp luật...

Xã hội hóa dịch vụ công đã đóng góp được những lợi ích nhất định, nhất là sự thay đổi cơ bản về nhận thức, tạo được ý thức trách nhiệm, hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân. Huy động được nguồn lực trong dân, giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước, tạo sự cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả lợi ích dịch vụ công. Phát huy tiềm năng trong xã hội, khơi dậy tính sáng tạo và chủ động của người dân, góp phần tạo ra sự công bằng trong tiêu dùng của dịch vụ công. Tập trung sức mạnh của bộ máy nhà nước và hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời tận dụng được các ưu thế của thị trường về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, giảm bộ máy và con người. Qua đó, hạn chế một số hiện tượng tiêu cực, thay đổi thái độ ứng xử và cung cách phục vụ, tạo thêm việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Những hiệu quả

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo các cấp các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thường xuyên hiệu quả về công tác cải cách hành chính, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Theo đó, thủ tục hành chính hầu hết được rà soát, sửa đổi, rút gọn theo hướng tinh giản, thuận lợi.

Các quy định về trình tự, thủ tục hành chính giải quyết các giao dịch của dịch vụ hành chính công được xem xét giải quyết đảm bảo rút ngắn thời gian, cải thiện được thời gian cho người dân. Trong đó, chú trọng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan chuyên môn, các huyện, các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, để khắc phục khó khăn trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành do thiếu cơ chế phối hợp, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại 4 cơ quan hành chính nhà nước (sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô). Đáng chú ý là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác dịch vụ công được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn hóa cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, đạo đức công chức, kỷ năng xử lý giải quyết công việc.

Từng bước hiện đại hóa các phương tiện cung cấp dịch vụ, đặc biệt sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ hành chính công. Thông qua mạng điện tử cung cấp cho người dân các thông tin về hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công, giảm đáng kể về thời gian và công sức. Cụ thể hơn là thực hiện Luật Công chứng và Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, trách nhiệm công chứng, chứng thực được san đều từ công chứng nhà nước cho đến phòng tư pháp cấp huyện đến cả cấp xã; đồng thời cho phép thành lập 4 phòng chông chứng tư tại tỉnh, làm giảm sự quá tải tại các phòng công chứng nhà nước...

Với quyết tâm cải thiện đáng kể chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và với quyết tâm đấu tranh với tình trạng quan liêu; áp dụng đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, tin tưởng rằng những hạn chế, yếu kém được đẩy lùi nhằm đưa công tác cải cách hành chính, dịch vụ hành chính công đạt hiệu quả hơn.

An Nhiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.346.812
Hiện tại 3.039 khách