Cải cách thể chế
Các cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện đúng quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), để nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây dựng thể chế và giám sát kiểm tra chất lượng văn bản QPPL theo tinh thần Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 18/07/2011 của UBND tỉnh về Quy chế ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản QPPL nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, khả thi.
Tiếp tục rà soát các loại văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, UBND các cấp đã ban hành đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, loại bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc chồng chéo, trùng lắp, không đúng thẩm quyền; điều chỉnh những quy định không còn phù hợp thực tế; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các văn bản QPPL.
Theo đó, từng bước đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình tham mưu, ban hành văn bản QPPL nhằm loại bỏ tình trạng lợi ích cục bộ trong quá trình ban hành văn bản QPPL.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tiếp tục tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố TTHC mới ban hành, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, UBND cấp huyện, cấp xã; công bố TTHC được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở: Tư pháp, Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Để triển khai thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức rà soát và ban hành 23 quyết định qui định danh mục TTHC đưa vào thực hiện cơ chế một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã để phù hợp với Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, danh mục TTHC đưa vào thực hiện cơ chế một cửa cũng được thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với việc thay đổi của bộ TTHC. Đến nay, toàn tỉnh có 1.687/1.687 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (đạt tỷ lệ 100%), cụ thể là:
Tại các 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh có 924 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa và 260 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa liên thông (trong đó, có 248 TTHC liên thông giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh với UBND tỉnh, 11 TTHC liên thông giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện và 01 TTHC liên thông giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp xã).
Tại UBND các huyện, thị xã, thành phố có 316 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa và 34 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
Tại UBND các xã, phường, thị trấn có 134 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa và 19 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo quyết liệt việc rà soát TTHC để áp dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, đã đưa vào tiếp nhận giải quyết của 354 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 415 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, ngày 01/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công cấp huyện. Thực hiện Đề án, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sửa chữa và trang bị cơ sở vật chất để khai trương và tổ chức vận hành hoạt động ở 8/9 Trung tâm hành chính công cấp huyện (huyện Phong Điền chưa khai trương) với mô hình tổ chức hoạt động thống nhất trong toàn tỉnh.
Ngày 02/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đồng thời, ngày 04/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành danh mục thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, địa phương: Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Đồng thời, UBND tỉnh đang xem xét sửa đổi các quyết định quy định quy định hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và giao trả kết quả TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện và UBND cấp xã phù hợp với Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh
Trong 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ có liên quan, UBND tỉnh ban hành các quyết định: Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Sở Tài chính và Chi cục Giám định Xây dựng; thành lập các tổ chức: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương; Trung tâm Thể thao, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Nhà trưng bày tác phẩm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; nâng cấp, đổi tên một số Ban Quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh và giải thể 09 Ban Đầu tư và Xây dựng các huyện, thị xã, thành phố Huế để UBND cấp huyện thành lập các Ban Quản lý dự án khu vực cấp huyện theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và Thông tư 16/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2106 của Bộ Xây dựng.
Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
Triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2017 (tại Quyết định số 3471/QĐ-UBND ngày 30/12/2016), đến nay, tỉnh đã tổ chức 06 lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; 01 lớp bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế; 01 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên chính và 01 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã bổ nhiệm lại 07 phó giám đốc sở, 09 giám đốc và 09 phó giám đốc các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và 10 giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở.
Triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến ở 13 đơn vị cấp sở, 09 UBND cấp huyện và 01 chi cục với các hạng mục: đăng ký; hệ thống quản lý thông tin, hồ sơ cho cá nhân, doanh nghiệp tổ chức; cơ sở dữ liệu (CSDL) tài khoản người dùng; CSDL thủ tục hành chính và một số CSDL dùng chung.
Cơ sở dữ liệu của các đơn vị quản lý trong tỉnh đã được quản lý, liên kết thông qua Trung tâm tích hợp dữ liệu. Mạng WAN của tỉnh, các dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử được nâng cấp mở rộng, đến nay, 100% đơn vị, địa phương trong tỉnh đã được kết nối mạng WAN của tỉnh. Hoạt động của hệ thống Trang thông tin điện tử tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện được vận hành và duy trì. Nhiều cơ quan, đơn vị áp dụng việc xử lý công việc thông qua hệ thống trang thông tin điều hành nội bộ tại cơ quan đơn vị.
Duy trì hoạt động hệ thống Website ở 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh nhằm cung cấp thông tin, công khai các quy trình, TTHC; triển khai đồng bộ thống nhất 5 phần mềm dùng chung tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, nhằm phát huy hiệu quả chỉ đạo, điều hành qua môi trường mạng, phục vụ người dân và các tổ chức ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã vẫn chưa được khắc phục; tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ giải quyết TTHC tuy được cải thiện nhưng chưa rõ nét; việc chỉ đạo của một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, kịp thời làm hạn chế kết quả công tác CCHC.