Mạng lưới các ứng dụng, thiết bị và con người trong thành phố thông minh
Mỗi một địa phương, vùng miền thì có định hướng và sự phát triển về thành phố thông minh khác nhau, làm sao phù hợp được với địa phương mình, nhưng chung quy lại xây dựng thành phố thông minh được xem là giải pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề phát sinh do sự gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng. Tiến trình đô thị hóa nhanh thường gây xáo trộn xã hội, khiến chính quyền phải đối mặt với nhiều vấn đề như khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải, chăm sóc sức khỏe, đói nghèo, cơ sở hạ tầng... và kéo theo các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ… Bên cạnh đó, việc làm sao ứng dụng được các công nghệ tiên tiến để thúc đẩy và đưa những ngành nghề mũi nhọn của địa phương làm một điều hết sức cần thiết và cấp bách. Do đó, để vượt qua các thách thức này, lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan ban ngành liên quan cần phải tìm ra các giải pháp thông minh hơn để quản lý, điều hành xã hội. Những thành phố được xây dựng theo xu thế này được định nghĩa là một “Thành phố Thông minh” hay Smart city.
Thành phố thông minh dưới góc nhìn về kỹ thuật - công nghệ và xã hội
Mặc dù, cụm từ thành phố thông minh đã được dùng rộng rãi trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn có rất nhiều khái niệm về thành phố thông minh nguyên nhân là do quan điểm từ các góc nhìn khác nhau, như đứng ở khía cạnh xã hội hay kỹ thuật, công nghệ, hay đứng từ góc nhìn của người quản lý, tổ chức về mặt nhà nước. Tuy nhiên, tất cả các định nghĩa đều hướng đến một mục tiêu chung là làm sao tạo ra một thành phố “bền vững và đáng sống”. Thành phố thông minh được quản lý, điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giao thông, môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng… bằng các giải pháp thông minh với sự tham gia của người dân; được giám sát và điều phối tối ưu để tiết kiệm nguồn tài nguyên và mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân; có sự liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, CNTT, cơ sở hạ tầng xã hội và thương mại để tận dụng tối đa mọi nguồn lực…Đó cũng là một thành phố “kết hợp Công nghệ thông tin và Truyền thông” (Information and Communication Technologies - ICT) để tổ chức, thiết kế, quy hoạch, triển khai các giải pháp mới, tiên tiến cho việc quản lý thành phố một cách mềm dẻo, bền vững, gắn với mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân; sử dụng công nghệ điện toán thông minh để tạo ra các thành phần và dịch vụ hạ tầng cơ bản liên kết với nhau một cách hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động (bao gồm quản lý chính quyền, giáo dục, y tế, trật tự công cộng, bất động sản, kinh doanh, giao thông và các dịch vụ - tiện ích khác…)…
Mô hình Smart City liên kết với đám mây
Nói chung, thành phố thông minh là thành phố luôn cố gắng để “thông minh, tiện ích hơn”, được biểu thị là một thành phố của phương tiện, kết nối và tri thức; dựa vào công nghệ hiện đại, cho phép sao chụp và tích hợp dữ liệu bằng cách sử dụng các thiết bị cảm biến như thiết bị đo, thiết bị cá nhân, khí cụ, máy ảnh, điện thoại, thiết bị y tế, hệ thống ứng dụng, website, mạng xã hội… được kết nối, trao đổi và lưu trữ vào một nền tảng điện toán gắn với nhiều dịch vụ khác nhau của thành phố.
Có thể hình dung thành phố thông minh như là một hệ thống dữ liệu lớn kết nối nhiều thành phần là các hệ thống con được trang bị nhiều hệ thống xử lý, tương tác và có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (các dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (bộ não), các cảm biến (các giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) kết nối với nhau theo hướng ngày càng hiệu quả hơn.
Thừa Thiên Huế với xu thế phát triển thành phố thông minh
Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đẩy mạnh các dịch vụ trên hệ thống thông tin của tỉnh, các Trung tâm Hành chính công của các cấp cũng đang dần hình thành, trong đó hệ thống phần mềm Dịch vụ công trực tuyến đã và đang hoạt động có hiệu quả và đã từng bước cung cấp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng với cấp độ 3, 4. Song song với đó tỉnh cũng đang từng bước tạo lập một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trên nền tảng kết nối, chia sẻ, liên thông mang tính bền vững theo định hướng Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 02/7/2012 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030. Tuy nhiên, theo xu hướng của các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đều có xu hướng chung là phát triển một đô thị có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng công nghệ tiên tiến, trong đó công nghệ thông tin và truyền thông là công nghệ phổ biến hiện nay sẽ hướng tới một đô thị có khả năng đảm bảo đáp ứng nhu cầu chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo khả năng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Cổng Dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế
Tuy nhiên, với phần lớn người dân, dịch vụ thành phố thông minh vẫn là khái niệm mới mẻ, ngay cả đối với hệ thống quản lý thì khái niệm này cũng hết sức trừu tượng. Có thể hiểu nôm na, thành quả của dịch vụ thành phố thông minh chính là mang lại tiện ích cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Như chúng ta đã biết, Thừa Thiên Huế là tỉnh có thiên nhiên đẹp, hòa quyện với kiến trúc đô thị, là cố đô với nhiều nét văn hóa lịch sử, Quần thể di tích Cố đô Huế với các di tích từ các thời vua chúa triều Nguyễn như lăng tẩm, đền mếu, chùa cổ…là các địa điểm du lịch nổi tiếng, Huế còn được biết đến là thành phố Festival, thành phố văn hóa của các nước ASEAN. Tuy nhiên, để phát triển đồng thời cùng lúc nhiều dịch vụ thông minh thì đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực không chỉ về tài chính mà cả con người, công nghệ và hạ tầng đảm bảo được việc vận hành các dịch vụ thông minh này. Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế cần chọn lựa các lĩnh vực, thế mạnh mà tỉnh nhà đang hiện có, kết hợp với các nền tảng dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển thành phố thông minh trong tương lai.
Trước hết, cần một hệ thống giám sát và điều hành các hệ thống thông tin làm sao mang đến cho người dân, khách du lịch được thoải mái khi di chuyển trong không gian, tham gia mọi hoạt động tại Thừa Thiên Huế. Dù thực tế hiện nay, mạng lưới giao thông còn khá nhiều bất cập. Bất cập từ hệ thống bảng báo giao thông, tổ chức giao thông, các bãi đỗ xe, trạm xe buýt hoặc nhà vệ sinh công cộng ở các công viên, địa điểm du lịch, hay làm thế nào tìm thấy trạm ATM gần nhất…, tất cả các yếu tố này cần được cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh chóng để người dân hoặc du khách có thể truy cập được.
Hệ thống thông tin về nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực của tỉnh nhà cũng còn nhiều hạn chế, các đơn vị kinh doanh về lĩnh vực du lịch còn phát triển nhỏ lẻ và chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin qua lại với nhau để cùng nhau tạo thành một mạng lưới cung cấp thông tin về văn hóa du lịch một cách đầy đủ và phong phú nhất. Nếu người dân hay khách du lịch chỉ cần một chiếc thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng…), thông qua việc quét mã QR, người dân, khách du lịch có thể biết đầy đủ thông tin về một địa điểm không còn là ý tưởng quá xa lạ, đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng, đây là xu hướng giúp đơn giản hóa việc cung cấp thông tin tới du khách mà các cơ quan chức năng nên sớm triển khai. Và theo xu thế, cần tiến tới việc đơn giản hóa các biển báo chỉ dẫn giao thông tránh một nơi quá nhiều biển báo, vừa mất mỹ quan, vừa gây loạn thông tin; hệ thống đèn giao thông tại các điểm nóng như cầu Trường Tiền hay cầu Phú Xuân cũng được linh hoạt và thông minh hơn khi vào các giờ cao điểm.
Thêm nữa, việc quan tâm đến người già, trẻ em, người khuyết tật… trong mọi hoạt động của đô thị, từ lối đi bộ thuận tiện, tiếp cận dễ dàng các công trình công cộng (thang máy, lam dốc) đến việc có khu vệ sinh riêng, có thang nâng khi lên xe buýt, có chỗ ngồi riêng trên các khán phòng hay sân vận động… cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo sự công bằng xã hội.
Ứng dụng thông minh vào thực tế tại Thừa Thiên Huế suy cho cùng là một khái niệm mang tính thực tiễn đáp ứng những nhu cầu đơn giản trong việc đi lại, sinh hoạt, tìm kiếm thông tin hằng ngày của cuộc sống. Nâng cao hơn nữa và đáp ứng các nhu cầu để ứng dụng thông minh phải là một trong những giải pháp thiết yếu để khái niệm “dịch vụ thành phố thông minh” ngày càng cụ thể hơn mà mỗi người dân Thừa Thiên Huế mong muốn và được đáp ứng về điều đó.
Như vậy, để phát triển được các dịch vụ thông minh tiến tới hoàn thiện thành phố thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế là xu thế tất yếu, là một bước đi dài hơi và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, góp sức từ nhiều ngành, lĩnh vực cùng phối hợp hoàn thiện hệ thống thông tin của tỉnh đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ kiểm soát môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao dân trí cho người dân trong việc sử dụng các ứng dụng thông minh, tinh thần cộng đồng và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường để phù hợp với đặc điểm của tỉnh nhà./.