Giao dịch hành chính thực hiện trên môi trường mạng
Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc ứng dụng CNTT, CCHC nhằm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giảm rất nhiều các TTHC không cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Qua hệ thống này, người thành lập doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần phải đến trực tiếp. Đây là mô hình mà tất cả các giao dịch hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng, trong đó bao gồm cả việc nộp phí, lệ phí trực tuyến trên môi trường mạng. Công dân, tổ chức, doanh nghiệp đều được sử dụng mọi dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên hệ thống. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 700 dịch vụ công trực tuyến với hơn 3.500 tài khoản người dùng đăng ký và hơn 3.000 thủ tục đăng ký trực tuyến. Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả.
Theo quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 01/03/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm hàng chính công cấp huyện thì Trung tâm Hành chính công là nơi duy nhất tiếp nhận và phối hợp giải quyết TTHC, cung cấp thông tin, dịch vụ về các TTHC nhanh chóng, thuận tiện thông qua hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Các lĩnh vực TTHC giao dịch tại Trung tâm Hành chính công sẽ được công khai, minh bạch theo quy định trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin về các TTHC, tiến độ giải quyết TTHC, tiến tới thực hiện giao dịch trên môi trường mạng. Đến nay đã có 3 đơn vị chính thức khai trương và đi vào hoạt động đó là Trung tâm hành chính công thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang. Dự kiến đến ngày 15/4, các đơn vị còn lại sẽ khai trương và đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động. Theo Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND thị xã, Giám đốc Trung tâm hành chính công Hương Thủy cho biết: “Khi đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động thì các TTHC được số hóa và được cắt giảm theo hướng đơn giản, được lưu giữ sử dụng chung và được kết nối, giải quyết trực tuyến. Hồ sơ sẽ được cập nhật vào phần mềm điện tử, nếu hồ sơ tiếp nhận trên cổng/trang dịch vụ công trực tuyến thì sẽ được chuyển giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả trên môi trường mạng”.
Xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai Hệ thống trang thông tin điều hành tác nghiệp đa cấp, liên thông cho các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã (kết nối thành một mạng lưới xuyên suốt từ cấp Tỉnh - cấp Sở/Huyện - cấp Phòng, ban/Xã, phường - cá nhân); theo đó thông qua Hệ thống này, công tác chỉ đạo điều hành công việc được xuyên suốt từ trên xuống dưới, thông tin báo cáo được tổng hợp từ dưới lên giúp cho thông tin liền mạch, tập trung và logic, nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành và xử lý công việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đảm bảo tính nhanh chóng - đầy đủ - chính xác, qua đó góp phần cải cách hành chính với hiệu quả tối đa.
Bên cạnh đó, Hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đã được liên thông và được phát huy cao hiệu quả ứng dụng, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành; Cung cấp chứng thư số cho 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh; 100% giấy mời được phát hành qua mạng; 100% TTHC được đăng ký trực tuyến mức 3,4 được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả qua mạng...
Có thể khẳng định, thời gian qua, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến đáng kể về phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, tăng cường năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và lĩnh vực CNTT nói riêng.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “CNTT vừa là động lực thúc đẩy quá trình CCHC, vừa là điều kiện để CCHC thành công. Thông qua hoạt động ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính dễ dàng liên kết với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ, và cũng thông qua đó mà Chính phủ và UBND tỉnh điều hành bộ máy nhà nước một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác; kiểm soát tốt hơn mọi hoạt động của cơ quan công quyền. Chính nhờ sự minh bạch trong kiểm soát và giám sát do ứng dụng CNTT mang lại đã tạo áp lực cho các cơ quan bởi qua đó mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy công quyền sẽ dễ dàng lộ diện khi có vấn đề xảy ra”.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, UBND tỉnh đề nghị các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thực hiện có hiệu quả đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; Tiếp tục sử dụng hiệu quả hệ thống các phần mềm dùng chung của tỉnh trên cơ sở tích hợp liên thông thống nhất thành một hệ thống đồng bộ; nâng cấp và triển khai diện rộng hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đến cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng triển khai có hiệu quả Kiến trúc chính quyền điện tử trên cơ sở Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.