Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 11/2016
Ngày cập nhật 08/12/2016

Chiều ngày 6/12/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 11/2016. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Thành Hưng, Hoàng Vĩnh Bảo; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện doanh nghiệp ngành TT&TT.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp viễn thông báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2016 với những con số khá ấn tượng. Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cho hay, doanh thu 11 tháng năm 2016 của VNPT đạt 91,8%, tăng  6,4%, Tuy nhiên, tháng 12/2016 Tập đoàn sẽ phải nỗ lực nhiều để hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu. Lợi nhuận toàn Tập đoàn thực hiện được 93% kế hoạch.  Thuê bao di động  đạt 94,7% kế hoạch với sự tăng trưởng 4,2 triệu thuê bao di động. Thuê bao cáp quang phát triển mạnh, với mức tăng 1,3 triệu thuê bao/tháng. Trong khi đó thuê bao MegaVNN giảm mạnh.

Về phía Mobifone, ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc cho biết, trong tháng 11/2016, đã phát triển hơn 94.000  thuê bao di động. Doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng, hoàn thành 94,1% kế hoạch;  Lợi nhuận đạt 238 tỷ đồng, đạt 96,39% kế hoạch; Nộp ngân sách nhà nước 4.753 tỷ đồng. Ông Hải khẳng định Mobifone chắc chắn hoàn thành kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016.

Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, trong tháng 11, doanh thu đạt 19.300 tỷ đồng, 109% kế hoạch. Lợi nhuận đạt 3.480 tỷ, hoàn thành kế hoạch tháng. Đại diện Viettel cũng khẳng định Viettel sẽ hoàn thành kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận năm 2016.

Doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty VNPost 11 tháng năm 2016  đạt 11.273 tỷ đồng, tăng 34,6% so với năm 2015. Riêng công ty mẹ, doanh thu 11 tháng của năm 2016 đạt 10.273 tỷ đồng doanh thu, tương đương 111,5% kế hoạch Bộ TT&TT giao. Lợi nhuận hết tháng 11 đạt 95,5% kế hoạch, ông Đỗ Ngọc Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPost cho hay.

Tổng công ty VTC cũng hoàn thành kế hoạch cả năm 2016 ngay trong tháng 10 với mức  lợi nhuận tăng 115%, nộp ngân sách nhà nước đạt 120% kế hoạch. So với năm 2015, doanh thu tăng 150%, lợi nhuận tăng 140% và nộp ngân sách nhà nước tăng 134%.

Cũng trong lĩnh vực viễn thông, liên quan đến nỗ lực thu hồi SIM rác đã kích hoạt của các nhà mạng, Tập đoàn VNPT cho biết đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ TT&TT, đã khóa 3,7 triệu thuê bao, trong đó 180.000 thuê bao đăng ký lại thông tin trong một đêm. Hơn 5.000 khách hàng khiếu nại khóa nhầm thuê bao. Đại diện VNPT cho biết con số khách hàng khiếu nại là không đáng kể so với tổng số SIM bị khóa. Bên cạnh đó, VNPT đã triển khai đồng loạt 3 giải pháp, bao gồm: truyền thông, cung cấp thông tin khách hàng, truy vấn thông tin dịch vụ; giám sát chặt chẽ các quy trình (khách hàng phải xác nhận lại); rà soát lại trong nỗ lực nhằm kiên quyết thu hồi SIM rác đã kích hoạt sẵn.

Tập đoàn Viettel đã cắt khoảng 3,7 triệu SIM nghi vấn và tính đến hết 30/11/2016,  đã có 150.000 SIM đăng ký lại. Viettel đã thực hiện gửi tin nhắn thông báo cho toàn bộ 3,7 triệu số SIM bị chặn theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng về việc bị chặn SIM có tăng so với thông thường nhưng tăng không đáng kể và ở dưới mức dự báo của Viettel. Về chặn tin nhắn rác, Viettel đã chặn tổng cộng 157 triệu tin nhắn rác trong 11 tháng của năm 2016 và chặn 9,5 triệu tin nhắn rác chỉ riêng trong tháng 11.

Đại diện Tập đoàn Viettel đề xuất Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cần sớm ban hành khung giá để tránh việc tái lại SIM có tài khoản, thậm chí có những tài khoản rất lớn trên thị trường nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong kinh doanh và sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp viễn thông.

Đánh giá về việc thu hồi SIM rác kích hoạt sẵn giai đoạn 1 của 5 doanh nghiệp viễn thông, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, đến ngày 02/12/2016, đã có hơn 12 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn đã được gửi tin nhắn để xác nhận thông tin, trong đó hơn 600.000 thuê bao đã đăng ký lại thông tin. Như vậy, có hơn 11 triệu SIM bị khóa tài khoản, trong đó có 3,8 triệu SIM của Vinaphone, 3,7 triệu SIM của Viettel và 3,3 triệu SIM của Mobifone.

Ông Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, về lâu dài, Bộ TT&TT sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định 25 trên tinh thần khuyến khích doanh nghiệp viễn thông đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để phát triển thuê bao trả sau. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuyển sang cạnh tranh phát triển thuê bao trả sau. Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm sẽ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông hạn chế khuyến mại. Về lâu dài, sẽ “nới” khuyến mại với thuê bao trả sau và hạn chế khuyến mại với thuê bao trả trước.

Liên quan đến vấn đề an toàn thông tin, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT cho biết, trong tháng 11/2016, VNCERT đã ghi nhận được 330 sự cố về lừa đảo (Phishing), 164 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 614 trường hợp về mã độc tấn công (malware).

Ông Lịch cho biết, tổng đài ghi nhận phản ánh tin nhắn rác 456 do VNCERT quản lý đã ghi nhận 14.961 lượt phản ánh tin nhắn rác, trong đó nhà mạng VinaPhone chiếm 50,3%; giảm 29% so với tháng trước; Mobifone chiếm 41,8%, tăng 13,8%; Viettel chiếm 6%, giảm 25,3%; Vietnamobile chiếm 1,7%, tăng 50%. Trong tổng số phản ánh tin nhắn rác, dịch vụ nội dung chiếm khoảng 25,3%; dịch vụ bất động sản 27%; và dịch vụ quảng cáo SIM số đẹp 9,4%.

Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng cho hay, ngày hôm qua (5/12), các nhà mạng đã chính thức kết xuất số liệu về thu hồi SIM rác kích hoạt sẵn. Cụ thể, trong tháng 10 Viettel đã kích hoạt 4,2 triệu SIM, trong đó số SIM phải chặn là 2,2 triệu; VinaPhone kích hoạt 2,8 triệu SIM và phải chặn khoảng 1 triệu SIM; Mobifone đã kích hoạt 1,8 triệu SIM và phải chặn 500.000 SIM.

Còn trong lĩnh vực CNTT, đối với dịch vụ công trực tuyến, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, trong cuộc họp Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước sáng nay, đã có nhiều sự quan ngại về hiệu quả không cao của dịch vụ công trực tuyến và cần có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Ông Nguyễn Thành Phúc dẫn chứng qua các đợt kiểm tra tại các địa phương, đã ghi nhận một số địa phương cung cấp hàng chục dịch vụ công trực tuyến nhưng trên thực tế không có hồ sơ trực tuyến nào phát sinh.

Cũng trong buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, phụ trách lĩnh vực CNTT, đã chỉ đạo Vụ CNTT chuẩn bị báo cáo về tình hình triển khai thuê dịch vụ CNTT của các cơ quan nhà nước và báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về giảm thuế cho doanh nghiệp CNTT. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Tin học hóa chuẩn bị báo cáo về tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cả ba báo cáo này phải được hoàn thành ngay để trình Bộ trưởng trong tuần tới.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, trong tháng 11, Cục đã hoàn thành 2 Nghị định về phát ngôn và lưu chiểu điện tử, định hướng thông tin những vấn đề liên quan tới môi trường biển điện, hạt nhân... và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ định hướng thông tin việc chuyển đổi mã vùng điện thoại, thu hồi SIM kích hoạt trước...; hướng dẫn các Sở TT&TT xuất bản báo chí trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Đặc biệt, trong tháng qua Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xử lý 70 cơ quan báo chí; thu hồi 3 thẻ nhà báo của lãnh đạo cơ quan báo chí. Cục sẽ tiếp tục chấn chỉnh mạnh hơn nữa hoạt động báo chí trong thời gian tới. 

Đối với lĩnh vực Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trong tháng 11, Cục đã hoàn thành việc xây dựng Thông tư 24/2016/TT-BTTTT về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình trình Bộ trưởng ký ban hành. Cục đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Tính đến ngày 20/11, Cục PTTT&TTĐT đã việc với 45 đơn vị để tiến hành thanh tra, xác định vi phạm, ban hành 27 quyết định xử phạt hành chính; tham gia Đoàn thanh tra Bộ, Cục Viễn thông thanh tra việc chấp hành pháp luật của các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông; phối hợp chặt chẽ với Cục Báo chí xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức tập trung vào các sai phạm của các nhà báo phát ngôn, bày tỏ quan điểm trái với quan điểm của tòa soạn trên mạng xã hội…

Trong lĩnh vực Xuất bản, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc tăng cường chống in lậu, Cục đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường phối hợp với các Sở TT&TT trên cả nước thực hiện chế độ báo cáo và link trực tiếp những hồ sơ của các cơ sở in trên cả nước và TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu.  Về cải cách thủ tục hành chính, Cục đang triển khai tích cực, dự kiến đến ngày 15/12 tới sẽ thông quan toàn bộ sách nhập khẩu từ nước ngoài về qua làm thủ tục thông quan hải quan trên mạng 100%. Đến nay Cục đã có 4 dịch vụ công hoàn toàn công khai trên mạng.

Lĩnh vực Thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực như số hóa Triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bước đầu đã tạo được dấu ấn đối với công chúng; trao tặng 173 bức ảnh và hơn 1.000 phim về Việt Nam cho cộng đồng người Việt ở Séc nhân chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng tại Séc…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh một số hoạt động nổi bất của Bộ trong tháng như chuyến công tác của đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông tại Pháp, Séc, Slovakia đã thành công tốt đẹp; xử lý nghiêm các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm các quy định của Luật Báo chí, đặc biệt là 50 cơ quan báo chí đã thông tin sai sự thật về nước mắm nhiễm asen và 14 cơ quan báo chí đã thông tin sai sự thật về cháu bé ở Gia Lai; thu hồi 3 thẻ nhà báo; Bộ chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối (đã có khoảng 10,7 triệu thuê bao bị thu hồi và khóa SIM); phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây sử dụng SIM ảo để trộm cắp cước viễn thông quốc tế sử dụng công nghệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay; thực hiện quy hoạch về kho số viễn thông, công bố lộ trình đổi mã vùng điện thoại cố định ở 63 tỉnh thành; tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

Cũng tại Hội nghi, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của Bộ thời gian qua, đồng thời nêu ra những phương hướng trọng tâm từ nay đến cuối năm 2016. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các công việc Bộ trưởng đã giao tại cuộc họp giao ban QLNN tháng 10. Các đơn vị được giao nhiệm vụ quyết liệt đôn đốc việc tập trung xây dựng để ban hành các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ đăng ký trong năm 2016; đặc biệt là những văn bản đã được Vụ Pháp chế thẩm định, đơn vị chủ trì phải trình tập thể Lãnh đạo Bộ cho ý kiến ban hành trong tháng 12/2016; Xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Xây dựng danh mục văn bản QPPL Bộ ban hành theo thẩm quyền năm 2017 và báo cáo Lãnh đạo Bộ trong tháng 12/2016.

Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thông tin và truyền thông đã ban hành từ thời kỳ Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Văn hóa, Thông tin tới nay để đề xuất sửa đổi, thay thế; Trình Lãnh đạo Bộ ban hành các kế hoạch phục vụ công tác kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.

Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở tăng cường quản lý nhà nước về thông tin; theo dõi, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin cơ sở tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Báo chí (có hiệu lực từ 01/01/2017); kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân không để kẻ xấu lạm dụng xuyên tạc, kích động biểu tình; gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tăng cường công tác quản lý chuyên ngành và công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông bao gồm: Quản lý chất lượng dịch vụ, giá cước và khuyến mại của các doanh nghiệp viễn thông,... ; Chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, thực hiện nghiêm việc thu hồi SIM đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao không hợp lệ; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong triển khai mạng 4G.

Tăng cường kiểm tra, rà soát trên không gian mạng, làm tốt công tác QLNN về an ninh quốc gia về viễn thông, Internet; chủ động phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc hại, mang tính kích động; bám sát địa bàn, mục tiêu; đối tượng trọng tâm về an ninh trật tự.

Tập trung triển khai giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020; tăng cường phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2 của Đề án; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc hỗ trợ thiết bị cho hộ nghèo.

Đôn đốc và thẩm định Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020, Kiến trúc Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của các bộ, ngành và địa phương…

 

theo mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.349.689
Hiện tại 388 khách