Hiện nay, trên thế giới có ba mô hình cơ bản về tổ chức công vụ đang được áp dụng là mô hình chức nghiệp hay còn gọi là mô hình ngạch, bậc; mô hình việc làm hay còn gọi là vị trí việc làm và mô hình hỗn hợp. Trong xu thế xây dựng nhà nước hiện đại, chuyển dần từ nền hành chính truyền thống sang nền hành chính phát triển, đẩy mạnh cải cách công vụ, nhiều nước có mô hình công vụ chức nghiệp là chủ yếu, trong đó có Việt Nam đang dịch chuyển dần sang nền công vụ việc làm với các mức độ khác nhau.
Ở Việt Nam, sự ra đời của Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 là bước ngoặt đánh dấu sự đổi mới tư duy trong việc quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Điều 6 Luật Viên chức quy định một trong những nguyên tắc quản lý viên chức là: “Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc”. Để cụ thể hóa hai luật này Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản như: Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức...
Đối với viên chức, vị trí việc làm “là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập” (khoản 1, Điều 7 Luật Viên chức). Khác với mô hình chức nghiệp, trong mô hình vị trí việc làm người lao động được bố trí theo từng vị trí công việc/việc làm mà trước đó đã được thiết kế theo những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể và rõ ràng. Mỗi vị trí việc làm do một hoặc một vài người đảm nhận tùy theo khối lượng, cường độ công việc. Các vị trí công việc khác nhau được xếp vào các mức khác nhau căn cứ vào mức độ phức tạp, quy mô công việc, đối tượng phục vụ, quản lý và một số căn cứ khác.
Tuy nhiên, xây dựng và áp dụng mô hình việc làm là một quá trình nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong việc thiết kế mô hình tổ chức, mô tả công việc, xác định tiêu chuẩn, khung năng lực rõ ràng và cụ thể cho từng vị trí. Mặt khác, ở mô hình này, công việc của người lao động khó ổn định, có thể bị mất việc nếu không đáp ứng đúng yêu cầu, tiêu chuẩn của từng vị trí; khó linh hoạt trong việc chuyển đổi nhân sự giữa các vị trí việc làm. Công tác thi tuyển, xét tuyển để chọn người phù hợp, cũng như tiêu chí đánh giá, các cơ chế giám sát, các biện pháp chế tài đối với hoạt động của công chức, viên chức trong từng lĩnh vực cụ thể… là những vấn đề thực tế đặt ra cần nghiên cứu giải quyết.
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương triển khai sớm việc xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đề án vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Mục tiêu của việc xây dựng đề án vị trí việc làm là thông qua đó đánh giá khả năng, năng lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao xác định cơ quan, tổ chức có bao nhiêu vị trí việc làm và ứng với mỗi vị trí việc làm cần bao nhiêu người làm việc. Như vậy, qua việc xây dựng đề án vị trí việc làm có thể số định biên tăng lên hoặc giảm xuống, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với chức năng, khối lượng công việc và phạm vi quản lý của đơn vị.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cấp trường được quy định cụ thể, rõ ràng trong Điều lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Việc xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc ở các trường học được xác định rất cụ thể bởi các văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập. Ở mỗi cấp học, tùy theo hạng trường, tổng số lớp trong một trường học để xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc tương ứng. Ví dụ, đối với trường tiểu học hạng 1 có không quá 02 phó hiệu trưởng, trường hạng 2, hạng 3 có 01 phó hiệu trưởng; về biên chế viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn phòng: trường hạng 1 được bố trí 02 biên chế, trường hạng 2, 3 được bố trí 01 biên chế; công tác văn phòng: trường hạng 1 được bố trí 03 biên chế (01 văn thư - thủ quỹ, 01 kế toán, 01 y tế trường học), trường hạng 2, 3 được bố trí 02 biên chế (01 kế toán - văn thư, 01 y tế trường học - thủ quỹ)...
Như vậy, sự khác biệt về số lượng vị trí việc làm và số lượng người làm việc của các trường trong mỗi cấp học phụ thuộc vào hạng trường, số lượng lớp của từng trường.
Trong quá trình thực hiện cho thấy một điểm bất hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên là không quy định số lượng học sinh tối thiểu/lớp, mà chỉ quy định tối đa số lượng học sinh/lớp (Điều lệ trường tiểu học quy định số học sinh/lớp tối đa không quá 35 học sinh; Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) quy định mỗi lớp bố trí tối đa không quá 45 học sinh).
2. Thực trạng viên chức, giáo viên, nhân viên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế
Qua khảo sát thực tế, số học sinh trung bình/lớp đối với bậc tiểu học và THCS là tương đối thấp so với Điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Theo số liệu thống kê đến ngày 31/12/2013, ở bậc tiểu học có trung bình 27,5 học sinh/lớp, ở bậc THCS trung bình 32,3 học sinh/lớp. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ học sinh tối thiểu/lớp, nhưng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn của tỉnh, để các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo cho công tác đầu tư phát triển một cách đồng bộ, có hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là lãng phí về đội ngũ giáo viên, ngày 04/7/2014 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Công văn số 3674/UBND-GD về việc quy định số lượng học sinh/lớp như sau: thành phố Huế, bình quân chung, tối thiểu là 33 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 42 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT; thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, bình quân chung, tối thiểu là 31 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 42 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT; huyện Nam Đông, huyện A Lưới, bình quân chung, tối thiểu là 24 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 31 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT.
Tổng biên chế sự nghiệp giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo là 20.755 biên chế. Trong đó, khối THCS là 5.767; khối tiểu học là 6.6740; khối mầm non là 4.656 và khối các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo là 3.592 biên chế. Sau khi cân đối giữa các đơn vị, địa phương và giữa các cấp học, so với tổng số biên chế sự nghiệp được giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn tỉnh thừa 56 biên chế giáo viên, nhân viên; thiếu 278 bảo vệ.
Tình trạng thừa, thiếu diễn ra cục bộ, phân tán giữa các địa phương, từng cấp học, từng trường và từng môn học, từng vị trí việc làm. Cụ thể, khối mầm non hiện đang thiếu 265 giáo viên, nhân viên và thiếu 119 bảo vệ; khối THCS thừa 237 giáo viên, nhân viên (trong khi đó, huyện A Lưới lại đang thiếu) và thiếu 22 bảo vệ; khối tiểu học thừa 47 giáo viên, nhân viên (trong khi đó, thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang thiếu tổng cộng 113 biên chế) và thiếu 134 bảo vệ; các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa 37 giáo viên, nhân viên...
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng thừa giáo viên tại địa phương trong thời gian qua, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, tỷ lệ gia tăng dân số giảm nên một số địa phương đã có chủ trương giảm số học sinh/lớp để tăng số lớp nhằm đảm bảo số tiết dạy cho giáo viên.
Thứ hai, đối với cấp THCS, hầu hết các trường có tỷ lệ học sinh trên lớp thấp so với quy định của UBND tỉnh. Vì vậy, khi thực hiện chủ trương ghép lớp, số lớp sẽ giảm, dẫn đến dư thừa giáo viên.
Thứ ba, đối với khối mầm non, quy mô trường nhỏ (dưới 10 lớp) hoặc có các điểm cơ sở lẻ nhưng phải bố trí tối thiểu giáo viên dạy đủ theo lớp học, nên cũng tăng số lượng giáo viên theo định mức.
Thứ tư, các văn bản hướng dẫn của Trung ương về định biên đối với ngành giáo dục chậm được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; đối với khối tiểu học có chủ trương dạy thêm các bộ môn đặc thù theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngoại ngữ, nhạc, họa, thể dục, tin học...) hay chủ trương dạy 02 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, THCS nhưng Trung ương không có văn bản hướng dẫn bổ sung thêm biên chế giáo viên để thực hiện. Trong khi đó, nhà trường lại không được thu thêm học phí để hợp đồng số giáo viên này, do đó cũng làm tăng định mức so với quy định.
Thứ năm, các trường bị rớt hạng cũng bị giảm số lượng vị trí việc làm và giảm định biên, kéo theo tình trạng thừa biên chế trong nội bộ trường...
3. Một số giải pháp
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhân viên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một là, các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát lại cơ cấu đội ngũ giáo viên, nhân viên của từng trường theo từng vị trí việc làm để cân đối lại số biên chế giao; trên cơ sở đó, điều động số giáo viên đang thừa ở trường này sang giảng dạy ở các trường đang thiếu trong nội bộ của địa phương hoặc có thể bố trí giáo viên có biên chế tại một trường nhưng dạy liên trường.
Hai là, đối với khối THCS, rà soát lại số giáo viên dạy các bộ môn như ngoại ngữ, tin học, nhạc, họa, thể dục... để điều chuyển sang dạy các bộ môn đặc thù cho các trường tiểu học hoặc bố trí, biệt phái sang công tác tại các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Việc sắp xếp, cân đối như trên được thực hiện trước hết trong nội bộ của từng huyện, thị xã, thành phố; số còn lại (nếu có), các địa phương báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch điều chuyển trong phạm vi toàn tỉnh.
Ba là, nghiên cứu cụ thể điều kiện của từng địa phương, đơn vị để mở rộng diện trường học 02 buổi/ngày theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; đồng thời, có thể cân đối số lượng giáo viên thừa trong nội bộ của từng trường.
Bốn là, việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng mới giáo viên, nhân viên phải thực hiện chặt chẽ, khoa học, xuất phát từ vị trí việc làm; trước hết, tạm thời dừng tuyển dụng mới giáo viên, nhân viên ở những nơi đang thừa cho đến khi giải quyết được số biên chế dôi dư đã tuyển dụng.
Năm là, thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn hoặc không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, nếu các địa phương quyết tâm thực hiện trên tinh thần khách quan, dân chủ và vì lợi ích chung lâu dài của ngành giáo dục sẽ sớm khắc phục được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.
Cái Vĩnh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế