Nghị quyết nêu rõ, người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử thực hiện theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.
Điều kiện để được cấp thị thực điện tử được áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện sau: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng. Phí cấp thị thực không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử. Đồng thời Chính phủ bảo đảm các điều kiện để việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử được chặt chẽ, an toàn, thống nhất, thuận lợi.