Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Sẽ chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại 59/63 tỉnh, thành phố
Ngày cập nhật 23/11/2016

Chiều ngày 22/11/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo về Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kho số viễn thông. Đây là chương trình nằm trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành trong Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT, ngày 22/12/2014. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chủ trì họp báo. Tham dự buổi Họp báo có các phóng viên các cơ quan báo chí và đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ.

20162211-ta3.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Họp báo. Ảnh: Thảo Anh

Tại buổi họp báo, Đại diện Cục Viễn thông cho biết, kế hoạch chuyển đổi mã vùng là một bước trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông. Việc chuyển đổi mã vùng này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, để bảo đảm kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ. Việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là việc cần thiết. Thông thường, trên thế giới, các nước cứ khoảng 10 – 15 năm lại điều chỉnh quy hoạch kho số của mình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển.

Tại Việt Nam, việc xây dựng và ban hành quy hoạch kho số lần đầu vào năm 2006 sau khi thực hiện mở cửa, xóa độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, do việc chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán (ví dụ: trước đây Vĩnh Phú có mã vùng là 21, khi tách thành 2 tỉnh thì Phú Thọ có mã vùng 210 và Vĩnh Phúc là 211). Tỉnh thì có mã vùng dài 3 chữ số, tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định, lúc thì quay 10 chữ số, lúc lại quay 11 chữ số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. Điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, xu hướng chung trên thế cũng như ở Việt Nam là thông tin di động tiếp tục bùng nổ và nhu cầu kho số tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại quy hoạch kho số.
 
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, khi người sử dụng quen với mã vùng mới thì không còn ảnh hưởng nữa.
 
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, việc chuyển đổi sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn:
 
Giai đoạn 1: Chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố là Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng ở các tỉnh này vào 00h00 phút ngày 11/2/2017. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00h00 phút ngày 11/2/2017 và kết thúc quay số song song vào 23h59 phút ngày 12/3/2017. Thời gian bắt đầu duy trì âm thông báo vào 00h00 phút ngày 13/3/2017 và kết thúc âm thông báo vào 23h59 phút ngày 14/4/2017.
 
Giai đoạn 2: Chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào 00h00 phút ngày 15/4/2017. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00h00 phút ngày 15/4/2017 và kết thúc quay số song song vào 23h59 phút ngày 14/5/2017. Thời gian bắt đầu duy trì âm thông báo vào 00h00 phút ngày 15/5/2017 và kết thúc âm thông báo vào 23h59 phút ngày 16/6/2017.
 
Giai đoạn 3: Chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào 00h00 phút ngày 17/6/2017. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00h00 phút ngày 17/6/2017 và kết thúc quay số song song vào 23h59 phút ngày 16/7/2017. Thời gian duy trì âm thông báo vào 00h00 phút ngày 17/7/2017 và kết thúc âm thông báo vào 23h59 phút ngày 31/8/2017.
 
Mã vùng của 04 tỉnh còn lại là: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên.
 
Theo đó, Kế hoạch chuyển đổi mã vùng sẽ kết thúc vào ngày 31/8/2017.
 
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kho số viễn thông đã được Bộ TT&TT chỉ đạo, khảo sát đánh giá năng lực của hệ thống và thử nghiệm hệ thống trên thực tế. Việc chuyển đổi mã vùng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, để bảo đảm người dân nắm được thông tin, Bộ TT&TT đã có một quá trình chỉ đạo, góp ý cho doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch tuyên truyền như chuẩn bị tờ rơi, cung cấp thông tin tại các đại lý dịch vụ viễn thông, tập huấn nhân viên tại các điểm cung cấp dịch vụ để người dân gặp khó khăn có thể được giải đáp, chuẩn bị các bộ câu hỏi sẵn để được hỗ trợ ngay.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần xây dựng phần mềm để người dân có thể tự chuyển đổi; có kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi trong thời gian chuyển đổi tại các tỉnh, thành phố…
 
 

 

Theo mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 135 khách