Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đề xuất mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện
Ngày cập nhật 18/11/2016

Sáng ngày 17/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và đề xuất mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh cấp huyện khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ một số bộ, ngành; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; đại diện Sở Nội vụ, phòng Cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên - Huế trở ra; lãnh đạo Trung tâm hành chính công cấp tỉnh các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, triển khai Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương (Quyết định 09/2015/QĐ-TTg), qua báo cáo và kiểm tra có nhiều địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt. Nhiều địa phương sáng tạo, thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh nhưng có mô hình khác nhau. Trong quá trình triển khai đã gặp phải nhiều vấn đề. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, đánh giá để có mô hình thống nhất. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các đại biểu trên tinh thần cởi mở, có những đánh giá cụ thể về quá trình thực hiện Quyết định 09/2015/QĐ-TTg tại địa phương, đưa ra các giải pháp hay nhất trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đề xuất mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, qua đó Bộ Nội có cơ sở để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng trình bày dự thảo

Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Quyết định 09/2015/QĐ-TTg và nghiên cứu, đánh giá mô hình Trung tâm hành chính công

Tổng hợp từ các báo cáo, sau 1 năm triển khai Quyết định 09/2015/QĐ-TTg, hiện có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã (trừ các huyện đảo, xã đảo). Các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương đã tiếp nhận gần 82 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, giải quyết trước hạn và đúng hạn trên 81,211 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 99.17%, một số địa phương có số thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn cao. Quy trình thực hiện được công khai. Ở một số địa phương, việc tiếp nhận, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả đều được cập nhật, công khai trên phần mềm điện tử. Trường hợp quá hạn giải quyết, cơ quan hành chính đều có văn bản xin lỗi. Cá nhân, tổ chức đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng tăng.

Tuy nhiên ở một số địa phương thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn hình thức. Làm các thủ tục về lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, xây dựng, đầu tư... còn khó khăn, gây bức xúc cho cá nhân, tổ chức. Một số địa phương chưa thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các xã vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít. Diện tích làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại nhiều cơ quan chưa đạt theo quy định. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp của công chức tại bộ phận một cửa chưa đồng đều, một bộ phận công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, ứng xử chưa đúng mực gây bức xúc cho người dân.

Trong nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế  nêu trên có nguyên nhân từ việc các quy định của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương còn thiếu đồng bộ. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa được đơn giản; tính ổn định, đồng bộ của một số văn bản chưa cao; còn có xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đất đai.

Về tình hình triển khai thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh là Quảng Ninh, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Đắk Nông, Cà Mau, Long An với nhiều mô hình khác nhau như là tổ chức trực thuộc UBND tỉnh; thuộc Văn phòng UBND tỉnh hoặc Sở Nội vụ; là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh hoặc Sở Nội vụ; không hình thành tổ chức (Đà Nẵng). Có Trung tâm có tư cách pháp nhân, có nơi không. Về bộ máy, có nơi lập phòng chuyên môn, có nơi lập tổ giúp việc hoặc bộ phận giúp việc. Biên chế cũng khác nhau.

Tham luận tại Hội thảo, đối với Quyết định 09/2015/QĐ-TTg, các đại biểu nhấn mạnh đến việc sớm khắc phục những tồn tại hạn chế như đã nêu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Về Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, phần lớn các đại biểu đề xuất mô hình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định xây dựng mô hình trung tâm hành chính công cần căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vào số lượng thủ tục hành chính tập trung đưa Trung tâm, nếu quá ít thì việc xây dựng Trung tâm là lãng phí, không hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức của Trung tâm phải là những người có năng lực, trình độ và có chức danh ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

 

Tạp chí Tổ chức Nhà nước
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.348.775
Hiện tại 66 khách