Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính cấp xã ở nước ta hiện nay
Ngày cập nhật 01/11/2016

Nguồn nhân lực hành chính đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính nhà nước cấp xã cần tiến hành đồng bộ trên nhiều phương diện, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính cấp xã là mục tiêu, yêu cầu hết sức cần thiết hiện nay.

1. Nâng cao chất lượng tuyển dụng nguồn nhân lực hành chính nhà nước cấp xã

Tuyển dụng tốt sẽ góp phần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, là yếu tố quan trọng để quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực theo mục tiêu đề ra; góp phần làm tăng lòng tin của người dân vào nền hành chính và mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính. Tuyển dụng được những cán bộ, công chức có ý thức, khả năng tự học tập để thích ứng với công việc sẽ giảm chi phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đào tạo. 

Để thực hiện tốt công tác tuyển dụng, trước hết cần dựa trên các quy định trong Luật cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để phân tích công việc, xác định vị trí việc làm, tiêu chí tuyển dụng cán bộ, công chức cụ thể hơn, chọn đúng người phù hợp với vị trí công việc cần tuyển dụng. Ngoài bằng cấp chuyên môn theo quy định, cần quan tâm đến năng lực, kiến thức thực tiễn của người dự tuyển vì đây là những người trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh hàng ngày ở cơ sở và liên quan trực tiếp đến người dân. Đây cũng là những người tham mưu cho UBND các xã, phường, thị trấn ban hành các quyết định hành chính liên quan đến quyền và lợi ích của người dân vừa tuân thủ theo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo tính khả thi cao.

Tuyển dụng phải được tổ chức công khai, minh bạch, khách quan, thông báo rộng rãi về nhu cầu, thông tin về tuyển dụng, thu hút nhiều người tham gia dự tuyển và tuyển được người có ưu điểm vượt trội trong các ứng cử viên để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Chú trọng tới tiêu chuẩn cán bộ, công chức cho vị trí cần tuyển dụng, phù hợp với công việc, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Không tuyển dụng theo mối quan hệ “thân quen” với người trong cơ quan nhà nước.

Tổ chức tuyển dụng phải khách quan, công bằng để tuyển dụng được những người có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những tiêu cực trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức của các xã,phường, thị trấn.

Hoạt động tập sự của người mới được tuyển dụng cũng làm gia tăng kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ, công chức, giúp họ làm quen với công việc và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mới tuyển dụng. Vì vậy, phải khắc phục tình trạng tập sự mang tính hình thức, để tập sự thực sự đóng vai trò là giai đoạn thử việc và đánh giá khả năng thực sự của người mới được tuyển dụng. Sau tập sự phải đánh giá đúng, nếu cán bộ, công chức mới được tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu công việc được giao thì phải mạnh dạn chấm dứt hợp đồng.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hành chính nhà nước cấp xã

Đây là bước cập nhật, trang bị cho cán bộ, công chức các xã, thị trấn những kiến thức, kỹ năng để ngày càng hoàn thành tốt hơn công việc của mình.

Trong điều kiện hiện nay, trước những yêu cầu ngày càng cao của công việc, của quá trình cải cách hành chính nhà nước, để đổi mới, nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hành chính nhà nước ở các xã, phường, thị trấn cần triển khai một số nội dung sau:

2.1 Đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức phải thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận về đào tạo, bồi dưỡng, chủ động học tập, bồi dưỡng vì mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc cho chính bản thân. Tránh xem công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bị động; phải thực hiện học và bồi dưỡng theo nhiệm vụ. Đặc biệt, cần loại bỏ những trường hợp đi học hình thức, chỉ vì cần bằng cấp để hợp thức hóa tiêu chuẩn.

Phải xác định mục đích của đào tạo, bồi dưỡng là làm cho cán bộ, công chức ngày càng hoàn thiện hơn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của công việc được giao. Do đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ mà cán bộ, công chức phải đảm nhiệm, gắn liền với đòi hỏi về mức độ hoàn thiện và sự gia tăng hiệu quả công việc của cán bộ, công chức so với trước khi được đào tạo.

Nâng cao ý thức tự giác học tập nâng cao trình độ của chính bản thân cán bộ, công chức. Khuyến khích họ đề nghị những mong muốn cần được đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện bản thân và những kỹ năng, kiến thức cần được đào tạo, bồi dưỡng để có thể nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận thức đúng đắn và có động lực từ bên trong bản thân cán bộ, công chức sẽ thúc đẩy cán bộ, công chức nỗ lực học tập, phấn đấu trước hết vì bản thân mình, từ đó góp phần vào việc thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao.

2.2 Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn

Căn cứ vào vị trí việc làm, chức vụ quản lý lãnh đạo và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực hành chính nhà nước của các xã, phường, thị trấn để xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh của cán bộ, công chức đã được quy định; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhằm giúp cho cán bộ, công chức và UBND các xã, thị trấn thực hiện công việc tốt hơn, hiệu quả hơn; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng, về thực tiễn, tin học,... 

Đây là một trong những nội dung quan trọng để triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiệu quả theo nhu cầu thực tế. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở triển khai thực hiện việc lập kế hoạch, quy hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Nhờ đó công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ mang tính chủ động, sáng tạo hơn, giảm bớt tính thụ động.

Điều đó thể hiện ở việc đổi mới đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cán bộ, công chức cần, không đào tạo, bồi dưỡng theo những kiến thức mà cơ sở đào tạo có. Nghĩa là, phải căn cứ vào thực tế đặt ra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cái gì, không áp đặt từ trên xuống để giao cho công chức phải học cái gì. Thực hiện được như vậy công chức mới có thể bổ sung kiến thức, hoàn thiện bản thân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

2.3 Đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Ngoài đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị, còn cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao ý thức trách nhiệm, đào tạo các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, qua đó góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, cục bộ, lãng phí của một số cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở trường lớp, cần mở rộng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ chính thực tiễn công việc của cơ quan, đơn vị. Qua thực tế cho thấy, đây là hình thức đào tạo, bồi dưỡng chưa phổ biến nhưng đem lại kết quả thiết thực cho mỗi cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Đó là quá trình nỗ lực làm việc, giải quyết tình huống trong thực tế công việc hàng ngày và tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ. Ngoài ra, còn học hỏi từ những chuyến đi thực tế, từ kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương về các lĩnh vực.

2.4 Đào tạo, bồi dưỡng chú trọng chất lượng, không chạy theo chỉ tiêu về số lượng

Cần coi trọng khâu đánh giá chất lượng của cán bộ, công chức sau đào tạo, bồi dưỡng. Đánh giá sự gia tăng về kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng giải quyết tình huống, đáp ứng yêu cầu của công việc đảm nhiệm.

3. Thực hiện chương trình bồi dưỡng kỹ năng thực tế, nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hành chính cấp xã và công chức chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ

Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng thực tế để thực hiện các công việc trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của UBND các xã, phường, thị trấn, như:

- Bồi dưỡng kiến thức về tầm nhìn, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn của cán bộ lãnh đạo, quản lý để từng bước nâng tầm, chất lượng, hiệu quả hoạt động.

- Nhóm kỹ năng quan hệ giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tiếp dân.

- Kỹ năng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của UBND xã, phường, thị trấn, kỹ năng điều hành cuộc họp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng ra quyết định.

- Kỹ năng quản lý: kỹ năng xây dựng văn bản, thuyết trình, lập kế hoạch; có năng lực tổ chức thực tiễn, tập hợp và vận động nhân dân tổ chức thực hiện các chính sách, quyết định của các cấp lãnh đạo, quản lý.

Những kỹ năng này có vai trò nâng cao chất lượng hoạt động của UBND các xã, phường, thị trấn, nhất là hoạt động điều hành, chỉ đạo của tập thể UBND các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là trong các khâu lập kế hoạch, định hướng, dự báo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây là nội dung rất phức tạp và khó định lượng để đào tạo, bồi dưỡng nhưng lại cần thiết cho cán bộ, công chức trong quá trình làm việc, nên phải triển khai thực hiện từng bước mới đạt kết quả mong muốn.

Đội ngũ công chức chuyên môn ở các xã, phường, thị trấn đa số trẻ tuổi, được đào tạo theo quy định nên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương đối tốt. Tuy nhiên, trong thực tiễn công việc vẫn còn nhiều công chức chưa đáp ứng được yêu cầu, việc tham mưu cho lãnh đạo xử lý công việc chuyên môn chưa tốt.

Các kiến thức, kỹ năng cơ bản cần bồi dưỡng cho đội ngũ công chức chuyên môn ở các xã, phường, thị trấn gồm:

- Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động tham mưu và các văn bản pháp luật, kỹ năng tin học văn phòng cho 100% cán bộ, công chức.

- Các kỹ năng liên quan đến đề xuất, ban hành, thực hiện và kiểm tra chính sách, quyết định quản lý như kỹ năng thu thập, tổng hợp, phân tích và đánh giá thông tin; kỹ năng triển khai quyết định quản lý; kỹ năng phối hợp.

- Các kỹ năng tác nghiệp cá nhân như kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng bố trí lịch công tác, kỹ năng lắng nghe.

                                                                                                                                                                                         PGS.TS Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị khu vực III

 

Tạp chí Tổ chức Nhà nước
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.349.412
Hiện tại 339 khách