Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
“Phải có cơ chế để cán bộ không dám, không muốn tham nhũng”
Ngày cập nhật 28/10/2016

“Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xoá bỏ cơ chế xin - cho và các điều kiện làm nảy sinh tham nhũng. Cùng với đó là xây dựng thể chế, pháp luật để bảo đảm phòng chống cho tốt với phương châm cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng” - Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá 10) về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tổ chức ngày 27/10.

“Không có vùng cấm trong chống tham nhũng”

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp thu nghiêm túc, toàn diện các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Phó thủ tướng, với sự kiên quyết của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay đang đe doạ đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối Đảng, Nhà nước và chế độ, làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ.

Chính vì vậy, Phó thủ tướng cho rằng, xác định công khai, minh bạch phải thực sự là giải pháp đột phá trong phòng chống tham nhũng, có cơ chế giám sát, kiểm soát thu nhập và tài sản.

Đặc biệt, xây dựng cơ chế giám sát quyền lực nằm trong “giỏ” pháp luật; cần cụ thể hoá giám sát hơn nữa đối với công cuộc phòng chống tham nhũng và lãng phí.

Trước mắt, giải pháp đột phá là việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng phải thật sự triệt để, trên tinh thần không có vùng cấm, nếu có hành vi là bị xử lý, không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn các tội phạm tham nhũng và lãng phí.

10 năm chỉ xử lý được hơn 900 lãnh đạo

Tại hội nghị, các đại biểu các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10), song cũng nhận định rằng, tham nhũng lãng phí nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa 11) nói riêng trong những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”.

Cụ thể, theo các đại biểu cho rằng, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong khu vực công còn nhiều.

Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và xã hội. Tham nhũng vẫn đang là lực cản sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 10 năm qua, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm đạt 99,5%, công khai bản kê khai đạt tỷ lệ 98,3%; có 4.859 trường hợp được xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập; trên 72% cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản...

Công tác thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ với 7.789 bị can; viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 2.770 vụ và 6.480 bị can; tòa án nhân dân đã xét xử 2.536 vụ án và 5.749 bị cáo về các tội tham nhũng.

Bên cạnh đó, trong 4 năm (2013-2016), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã triển khai 25 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 8 bộ, ngành và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 244 vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện  theo dõi, chỉ đạo. Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý nhằm theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

theo vietnam.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.349.478
Hiện tại 353 khách