Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Những kết quả của công tác cải cách hành chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong 9 tháng đầu năm 2016
Ngày cập nhật 14/10/2016

Trong 9 tháng đầu năm 2016, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước. Các văn bản chỉ đạo thực hiện CCHC được ban hành kịp thời. Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước được chú trọng.  Đồng thời, việc rà soát và ban hành lại bộ TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước của tỉnh

Tập trung triển khai Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Nhằm triển khai hiệu quả Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Quyết định 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã tiếp tục rà soát và chọn lọc bổ sung thêm các TTHC đưa vào thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đảm bảo vượt trên 80% bộ TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Trong quý III năm 2016, Sở Nội vụ đã tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về danh mục TTHC đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Sở Khoa học và Công nghệ, sửa đổi danh mục TTHC được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường và thị trấn. Quyết định ban hành danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND tỉnh.

Chuẩn bị hoàn thành việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công trên cơ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phú Lộc. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng tại các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong quý III năm 2016, thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ có liên quan, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 06 sở, ban, ngành cấp tỉnh (các sở: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Văn phòng UBND tỉnh và Ban quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh); quyết định thành lập Ban quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; quyết định thành lập 03 đơn vị trực thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh, bao gồm: Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm; Trung tâm Quản lý, Khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2016, công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp; chú trọng đến công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên được quan tâm đúng mức; đã tổ chức các lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tin học; ngoài ra, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn.

Đáng chú ý, UBND tỉnh đã ban hành quyết định: Bổ nhiệm lại 01 Giám đốc sở, cử 02 Phó Giám đốc phụ trách sở, điều động và bổ nhiệm 04 Phó Giám đốc sở; điều động, bổ nhiệm 20 Giám đốc và tương đương, bổ nhiệm lại 04 Giám đốc và tương đương các đơn vị sự nghiệp thuộc sở.

Cải cách hành chính công và hiện đại hóa hành chính

Về cải cách tài chính công, đến nay có 194/244 cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện. Tất cả các cơ quan, đơn vị được giao tự chủ tài chính đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản. Cơ chế này đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong việc sử dụng kinh phí, biên chế, khắc phục tình trạng cấp dưới trông chờ, ỷ lại cấp trên, qua đó, kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng lãng phí do "chạy" kinh phí cuối năm.

Đến nay đã có 753/753 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ theo quy định. Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ đã chủ động sử dụng kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ, huy động vốn theo quy định để phát triển hoạt động sự nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và tăng cường tích luỹ thông qua quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Qua đó, mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và khai thác, phát triển nguồn thu sự nghiệp. Đồng thời, với việc khai thác nguồn thu, các đơn vị đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí như xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu để thực hiện trong nội bộ đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.

Các cơ quan, địa phương thường xuyên cập nhật và sử dụng các phần mềm theo quy định của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông vào quá trình quản lý, điều hành hoạt động; tiếp tục triển khai mô hình Chính quyền điện tử trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, giai đoạn 2016 - 2020.

Tiếp tục triển khai đề án “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, phấn đấu áp dụng ở 100% xã, phường, thị trấn.  UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016.

Cổng dịch vụ công Thừa Thiên Huế

Duy trì hoạt động hệ thống Website ở 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh nhằm cung cấp thông tin, công khai các quy trình, TTHC; triển khai đồng bộ thống nhất 5 phần mềm dùng chung tại các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, nhằm phát huy hiệu quả chỉ đạo, điều hành qua môi trường mạng, phục vụ người dân và các tổ chức ngày càng tốt hơn.

Có thể nói, những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cơ quan, ban ngành được nâng cao theo hướng hiện đại hóa; tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ giải quyết TTHC được cải thiện; việc chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị được thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn...góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Hà Ngọc
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.349.697
Hiện tại 390 khách