Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Thông qua dự thảo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 13/10/2016

Sáng ngày 12/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung chủ trì buổi họp với các sở, ngành, địa phương và Viện chiến lược Thông tin - Truyền thông để thống nhất các nội dung trong dự thảo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Sau hơn 5 năm thực hiện Luật viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật viễn thông, hạ tầng kỹ thuật viễn thông của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát triển nhanh chóng, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ thông tin cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, ngoài mạng truyền dẫn liên tỉnh và kết nối mạng quốc gia tuyến truyền dẫn Bắc - Nam, toàn tỉnh có 837 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, trong đó 399 tuyến thuộc Viễn thông Thừa Thiên Huế quản lý và 437 tuyến do chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế quản lý; có 1.257 trạm thu phát di động (BTS) của 05 nhà cung cấp dịch vụ di động...

 Theo Sở Thông tin và Truyền thông, mặc dù hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối hoàn thiện, nhưng còn bộc lộ những bất cập trong quy hoạch và thiếu thống nhất, đồng bộ trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Đến nay, tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh mới đạt 50%, hệ thống hạ tầng thông tin di động chưa thực hiện theo quy hoạch về vị trí và chiều cao cột phát sóng, việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, trên thế giới, lĩnh vực viễn thông ngày càng phát triển với công nghệ đồng bộ, tiên tiến, đòi hỏi phải có sự thay thế và áp dụng công nghệ mới để đạt các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng cũng như tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Để phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo tốt cho công tác quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 Theo dự thảo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tiên tiến, hiện đại của cả nước; hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh được thực hiện trên môi trường thông tin điện tử hiện đại. Mục tiêu cụ thể là ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông, truyền hình đạt trên 80% ở thành phố Huế, các khu đô thị mới, khu công nghiệp và trên 50% ở các trung tâm huyện, thị xã; đảm bảo phủ sóng toàn tỉnh và gia tăng các dịch vụ viễn thông như thoại, internet băng thông rộng tốc độ cao, phát thanh-truyền hình...Đến năm 2030 ngầm hóa 90% mạng cáp viễn thông và truyền hình tại các trung tâm đô thị lớn trên toàn tỉnh, tăng cường phủ sóng mạng internet không dây và tỷ lệ dùng chung hạ tầng cột treo cáp đạt trên 90%.

Tại hội nghi, các ý kiến của các sở, ngành và địa phương đều thống nhất cần phải có Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nói chung và lĩnh vực viễn thông nói riêng. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông cũng như tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển bình đẳng, lành mạnh và đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh. Qua đó sẽ cung cấp được đa dịch vụ với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.  

Kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉnh lý, bổ sung các ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã được thống nhất để hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch, sớm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện để triển khai thực hiện khi quy hoạch được phê duyệt

Theo Cổng TTĐT tỉnh Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 389 khách