Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam 1
Ngày cập nhật 30/09/2016

Đó là chủ đề của Hội thảo quốc gia do Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức sáng 28/9/2016 tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành, cơ quan của Đảng; cán bộ lãnh đạo và phụ trách CNTT của các cơ quan, đơn vị ở trung ương; lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở TT&TT của các tỉnh, thành phố phía Bắc, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-VT, ATTT. Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban; các đồng chí Phó Trưởng ban: Hoàng Ngọc Minh, Nguyễn Đăng Đào; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và các Hệ Cơ yếu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang tập trung củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, hệ thống giám sát ATTT trọng yếu và đẩy mạnh công tác quản lý mật mã dân sự.


 
Với vai trò và trách nhiệm của mình, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chú trọng đến công tác nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ mật mã; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mật mã đáp ứng yêu cầu BM&ATTT trong triển khai CPĐT, kết hợp triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số và giám sát ATTT và các giải pháp phòng chống mã độc....
 
Đồng chí nhấn mạnh, Hội thảo lần này là dịp để Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành ở trung ương, các địa phương phía Bắc cùng trao đổi, thống nhất về những nhu cầu bảo đảm BM&ATTT phục vụ triển khai CPĐT tại Việt nam, cơ chế phối hợp và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đây cũng là dịp Ban Cơ yếu Chính phủ giới thiệu giải pháp kỹ thuật tổng thể về BM&ATTT phục vụ triển khai CPĐT tại Việt Nam. Qua Hội thảo, các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, địa phương sẽ có thông tin đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lĩnh vực BM&ATTT phục vụ triển khai CPĐT. 
Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho rằng: Cùng với sự phát triển của ứng dụng CNTT, triển khai CPĐT, các nguy cơ về ATTT đang là những thách thức lớn. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị lây nhiễm mã độc rất cao và là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích. Điều đó gây ra nhiều rủi ro rất lớn cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, lực lượng cán bộ ATTT trong nước còn ít và bị động khi đối phó với các sự cố về ATTT, sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức còn chưa được đồng bộ.... Bởi vậy, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Quy định nhà nước về bảo đảm ATTT là hết sức cần thiết, là cơ sở để thực hiện thành công CPĐT. Trong đó, vai trò của các cơ quan chuyên trách đảm bảo BM&ATTT rất quan trọng và cần sự phối hợp của các cơ quan chủ quản các hệ thống thông tin.
Thời gian vừa qua, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ và nhiều Bộ, ngành, tỉnh thành đã triển khai nhiều hoạt động BM&ATTT. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn những vấn đề cần phân tích, trao đổi để có sự thống nhất về nhận thức và thực hiện được đồng bộ và hiệu quả hơn. Hội thảo lần này là dịp để các cơ quan, tổ chức thống nhất đưa ra phương án phối hợp đảm bảo BM&ATTT trong triển khai CPĐT.

 
Phần trình bày tham luận do các diễn giả đến từ các cơ quan Bộ, ban, ngành, địa phương trình bày đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến BM&ATTT trong triển khai CPĐT tại Việt Nam hiện nay. Các tham luận nổi bật gồm: 
 
Trong tham luận về Xây dựng Chính phủ điện tử và vấn đề ATTT trong xây dựng Chính phủ điện tử do Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày nhấn mạnh: Ban Cơ yếu chính phủ với nhiệm vụ được Chính phủ giao, với vai trò, trách nhiệm của cơ quan mật mã Quốc gia, để đáp ứng các yêu cầu thực tế triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam đã chủ động tích cực phối hợp với Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị, xây dựng các khung chương trình, cơ chế chính sách, thoả thuận phối hợp, triển khai các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể bảo đảm bảo mật, xác thực, giám sát an toàn thông tin.
 
Tham luận Một số nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ trong triển khai Nghị quyết 36A về Chính phủ điện tử và nhu cầu BM&ATTT của ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ 04 nhiệm vụ trọng tâm và việc triển khai an toàn thông tin tại văn phòng chính phủ. Trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ trong các lĩnh vực giám sát an toàn các thông tin hệ thống công nghệ thông tin tại Văn phòng Chính phủ; tư vấn và cung cấp các giải pháp bảo mật, xác thực và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Theo đó, các đơn vị đầu mối của hai bên sẽ phối hợp triển khai song song các nội dung theo kế hoạch đã đề ra, tăng cường trao đổi thông tin và báo cáo để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phối hợp công tác giữa hai đơn vị. 
Tiếp theo là Tham luận Triển khai mô hình Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh tại Đà Nẵng và nhu cầu BM&ATTT của ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng. Nội dung tham luận nêu rõ kiến trúc tổng thể CQĐT, Thành phố thông minh được triển khai thực tế tại thành phố Đà Nẵng, cũng như làm rõ thực trạng và các giải pháp đảm bảo ATTT cho các kiến trúc này.
 
Tham luận Dịch vụ công và các hệ thống thông tin bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin của ngành Tài chínhcủa TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục Trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính trình bày về dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin trong ngành tài chính và công tác đảm bảo ATTT cho hệ thống CNTT.
 
Tham luận Đảm bảo BM&ATTT trong triển khai Chính phủ điện tử và nhiệm vụ của ngành Cơ yếu Việt Nam của ông Đặng Duy Mẫn, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày làm rõ thêm các kết quả triển khai việc bảo đảm BM&ATTT cho triển khai chính phủ điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ. Tuy nhiên, tham luận cũng trình bày thêm những khó khăn, tồn tại gặp phải trong quá trình triển khai thực tế. Và giới thiệu mô hình giải pháp kỹ thuật tổng thể  bảo mật và ATTT có sử dụng các sản phẩm, giải pháp của ngành Cơ yếu.
 
Cuối cùng là tham luận Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông an toàn phục vụ triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam của ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã nêu lên hướng tiếp cận bảo vệ CPĐT của Viettel và một số kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực tế. Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ và các giải pháp ATTT bảo vệ cho CPĐT như: Web Security, giám sát ATTT, Hệ sinh thái giải pháp ATTT…..
Phần sau của Hội thảo là Tọa đàm với chủ đề “Phối hợp triển khai bảo đảm BM&ATTT phục vụ Chính phủ điện tử” do đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền chủ trì. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm ATTT; tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm ATTT; kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện, cơ chế phối hợp thực hiện, các khó khăn vướng mắc; định hướng, nhu cầu bảo đảm BM&ATTT; Doanh nghiệp trong lĩnh vực BM&ATTT cho hạ tầng viễn thông và CNTT.
 
Về Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm ATTT, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin đã làm rõ thêm về Luật An toàn thông tin mạng, trong đó đi sâu vào phân tích về 5 cấp độ an toàn cho hệ thống thông tin, cách xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho các hệ thống kết nối liên thông.
 
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Sau khi giải thể Ban Chỉ đạo CNTT cơ quan Đảng, Ban Bí thư đã giao cho Văn phòng Trung ương Đảng đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo CNTT cơ quan Đảng; Văn phòng Trung ương Đảng sẽ là cơ quan tham mưu, giúp Ban Bí thư chỉ đạo về lĩnh vực CNTT cơ quan Đảng. Trong giai đoạn tiếp theo, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ phối hợp với các cơ quan, tiếp tục triển khai các chương trình hoạt động CNTT của các cơ quan Đảng.
 
Về việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phối hợp với các cơ quan để thực hiện trong vấn đề đảm bảo BM&ATTT cho các mạng CNTT của Đảng, Nhà nước. Đồng chí Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Với vai trò và kinh nghiệm của mình, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp đảm bảo BM&ATTT. Hiện nay Ban Cơ yếu Chính phủ đã nâng cấp Trung tâm Giám sát an toàn thông tin và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ và sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để giải quyết vấn đề chứng thực chéo. Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng giúp các Bộ, ngành, đào tạo nguồn nhân lực và có Tạp chí An toàn thông tin để tuyên truyền về chủ trương, chính sách về ATTT....
 
Bên cạnh đó có một số câu hỏi về: những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai chứng thực chữ ký số tại Bộ Tài chính; đảm bảo BM&ATTT cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại Đà Nẵng trong thời gian tới; an toàn trong giao dịch ngân hàng và thanh toán trực tuyến... cũng đã được các đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức giải đáp thỏa đáng.
 
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được tham quan các sản phẩm BM&ATTT do ngành Cơ yếu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai; tham quan Trung tâm Giám sát an toàn thông tin và Bảo tàng ngành Cơ yếu Việt Nam.
 
Đây là lần đầu tiên Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác BM&ATTT trong quá trình xây dựng và triển khai CPĐT. Thông qua Hội thảo, cũng tạo diễn đàn để các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi về các vấn đề liên quan tới BM&ATTT cho triển khai CPĐT.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.391 khách