Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Hải quan sẽ "ngồi cùng DN" để gỡ vướng thủ tục
Ngày cập nhật 28/09/2016

Các cục hải quan sẽ cùng phối hợp với doanh nghiệp, “ngồi với nhau” cùng rà soát những vướng mắc về thủ tục hành chính để tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là một nội dung trao đổi tại hội nghị triển khai kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016-2020 đến các bên đối tác, do Tổng cục Hải quan tổ chức.

Nhiều kết quả khả quan, nhưng chưa hết vướng mắc

Tổng cục Hải quan cho biết, đến 29/8, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10 bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa, 33 thủ tục hành chính của 9 bộ, ngành còn lại đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 15/9 là hơn 165.000 bộ hồ sơ với sự tham gia của khoảng 7.598 DN hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.

Hệ thống thông quan tự động (VNACCNS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu; 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan cho DN...

Bên cạnh những mặt đạt được, ngành hải quan vẫn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện triển khai cải cách hiện đại hóa. Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu (XNK) và vận tải quốc tế chưa được rà soát triệt để nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi đưa lên thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dù đã có những sửa đổi, bổ sung.

Ông Nguyễn Tương, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, thời gian thông quan thì hải quan chỉ chiếm 28% trong khi 72% thuộc các cơ quan khác. Vì vậy, các DN XNK vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí về kiểm tra chuyên ngành, kiểm định.

“Hải quan có nỗ lực làm nhanh nhưng một khâu vướng mắc, thì ít có tác dụng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan”, ông Tương nói.

Còn ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng DN gặp khó khăn bởi một số văn bản pháp quy chưa thực sự thống nhất. Hơn nữa, tính chuyên nghiệp, thái độ công vụ của cán bộ hải quan một số nơi chưa phù hợp, việc ký kết quy chế phối hợp giữa hải quan và DN còn chưa được phổ biến.

“Các DN cũng đề nghị các thông tin trên website cung cấp ngoài giá trị số tiền, cần có dữ liệu đầy đủ hơn về số lượng hàng hóa. Các kiến nghị của DN với hải quan phải phản hồi nhanh hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Trịnh Quang Khanh nói.

Cần phối hợp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn kịp thời hơn

Tại hội nghị này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã giải đáp các vướng mắc đồng thời ghi nhận những góp ý từ các DN, đối tác. Các vấn đề liên quan đến thông quan hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành rất cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành để giải quyết. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp với thẩm quyền của mình chưa tháo gỡ ngay được, ngành hải quan sẽ phản hồi thông tin DN nhanh hơn, để DN biết rõ quan điểm, tiến độ giải quyết.

Ngoài ra, về cung cấp thông tin và phản hồi DN, Phó Tổng Cục trưởng Vũ Ngọc Anh khẳng định các cục hải quan sẽ cùng phối hợp với DN, “ngồi với nhau” cùng rà soát những thông tin nào có thể cung cấp, ký kết các thỏa thuận hợp tác để phối hợp hiệu quả hơn; đồng thời ngành hải quan sẽ tăng cường hỗ trợ thêm DN kiểm tra tính hợp pháp của chứng nhận xuất xứ CO, giúp đào tạo kiến thức cho cán bộ XNK của DN nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu.

Được biết, ngành hải quan đã đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ hoàn thành triển khai mở rộng ra phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, ngành hải quan phấn đấu đến hết năm 2017, 100% dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Đến năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đến năm 2020, ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa. Đồng thời, 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa. Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan tiếp tục làm việc trực tiếp với các bộ quản lý chuyên ngành nâng cao việc triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra đối với hàng hóa XNK.

theo baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.349.867
Hiện tại 401 khách