Dự thảo nêu rõ, về vị trí và chức năng, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử; an toàn thông tin; báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở (gọi tắt là thông tin - báo chí) và hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
Về báo chí (bao gồm báo chí in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, bản tin thông tấn): Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí trong cả nước, văn phòng đại diện cơ quan thường trú ở nước ngoài của các cơ quan báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổ chức giao ban báo chí; tổ chức thông tin cho báo chí và quản lý thông tin của báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí; Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí; giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, bản tin, đặc san, số phụ, phụ trương, chuyên trang của báo điện tử, kênh phát thanh, kênh truyền hình, giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; cấp phép cho báo chí xuất bản ở nước ngoài phát hành tại Việt Nam; chấp thuận việc họp báo.
Bên cạnh đó hướng dẫn việc hoạt động của báo chí và nhà báo trong cả nước, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý hoạt động của báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động báo chí của người nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Về xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành): Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép đặt văn phòng đại điện của nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam; giấy phép đặt văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật; Cấp, gia hạn, thu hồi thẻ biên tập viên theo quy định của pháp luật; cấp, thu hồi giấy chứng nhận người đứng đầu cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật…
Cơ cấu tổ chức của Bộ
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức của Bộ gồm: 1. Vụ Bưu chính. 2. Vụ Công nghệ thông tin. 3. Vụ Khoa học và Công nghệ. 4. Vụ Kế hoạch - Tài chính. 5. Vụ Quản lý doanh nghiệp. 6. Vụ Hợp tác quốc tế. 7. Vụ Pháp chế. 8. Vụ Thi đua - Khen thưởng. 9. Vụ Tổ chức cán bộ. 10. Thanh tra Bộ. 11. Văn phòng Bộ. 12. Cục Báo chí. 13. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. 14. Cục Xuất bản, In và Phát hành. 15. Cục Thông tin cơ sở. 16. Cục Thông tin đối ngoại. 17. Cục Viễn thông. 18. Cục Tần số vô tuyến điện. 19. Cục Công tác phía Nam. 20. Cục Tin học hóa. 21. Cục An toàn thông tin. 22. Cục Bưu điện Trung ương. 23. Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông. 24. Trung tâm Thông tin. 25. Báo Bưu điện Việt Nam. 26. Báo điện tử Vietnamnet. 27. Tạp chí Thông tin và Truyền thông. 28. Học viện Công nghệ bưu chính, viễn thông. 29. Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.
Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ được tổ chức không quá 4 phòng. Vụ Pháp chế được tổ chức Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp, tổ chức tài chính nhà nước thuộc Bộ.
Mời xem toàn văn dự thảo Nghị định tại file đính kèm.