Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi vĩ đại như vậy vì được toàn dân ủng hộ. Những người yêu nước, không phân biệt thành phần giai cấp, tôn giáo đã nhất trí, đồng lòng đứng vào Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Lãnh tụ Hồ Chí Minh xây dựng, tổ chức và lãnh đạo.
Cố kết được lòng dân, khơi dậy tinh thần và truyền thống yêu nước của cả dân tộc đã tạo nên một nguồn sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Đó là cội nguồn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mà Đảng ta đã phải trải qua 15 năm giác ngộ, tuyên truyền, vận động quần chúng, anh dũng đấu tranh với kẻ thù, trải qua nhiều gian lao thử thách cùng sự hy sinh của biết bao đồng chí, đồng bào - những con người “sống vì Đảng, chết không rời Đảng.”
Đó cũng là nguồn sức mạnh sẽ trở thành vô song khi chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước những thử thách như ngàn cân treo sợi tóc.
Nhân dân ta đã giành được chính quyền từ một chế độ thực dân phong kiến bóc lột tận xương, tủy người dân. Hậu quả của nó là làm cho hơn hai triệu dân ta chết đói từ tháng 3 đến tháng 7/1945, hơn 95% dân số mù chữ.
Cơ sở vật chất mà cách mạng “giành lại trong tay bọn thống trị là mấy ngôi nhà trống rỗng, gạo không, tiền cũng không” – (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Trong khi đó, dưới danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật, ngày 11/9/1945, tướng Lư Hán đã đến Hà Nội đưa theo 18 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc cùng một đám cơ hội chính trị và phản động lưu vong như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh thuộc hai tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng.
Bọn phản động này hòng dựa vào mũi súng của quân đội Tưởng Giới Thạch vừa kiếm ăn vừa mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng theo dã tâm của quân Tưởng là dựng lên một chính quyền do quân Tưởng kiểm soát ít nhất là từ vĩ tuyến 16 trở ra miền Bắc.
Ở miền Nam, ngày 20/9/1945 những đơn vị quân Anh, Ấn thuộc sư đoàn 20 dưới quyền chỉ huy của tướng Graxay đã kéo đến Sài Gòn, khẳng định quyền duy trì trật tự của quân Anh.
Chúng đã mở cửa nhà tù của Nhật thả nhiều công chức cao cấp Pháp và 1.500 lính lê dương Pháp, để tới ngày 23/9 những tên lính này dưới sự hỗ trợ của quân Anh, Nhật, đã bắt đầu nổ súng chiếm các đồn cảnh sát của ta và tàn sát dã man nhiều dân thường.
Sau 21 ngày diễn ra Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ở Nam Bộ, súng đã nổ, máu đã đổ, đồng bào Nam Bộ bắt đầu đứng lên làm cuộc kháng chiến bằng gậy tầm vông, giáo mác để bảo vệ chính quyền cách mạng.
Như vậy là chỉ sau hơn hai tuần lễ ra đời, nước Việt Nam mới đã rơi vào tình thế “hai đầu thọ địch,” thù trong giặc ngoài câu kết nhằm lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhưng nhân dân vẫn một lòng, một dạ hướng về Chính phủ, ủng hộ mọi chủ trương đường lối của Chính phủ vừa xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, vừa lo “quốc kế dân sinh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử (2/9/1945)
Sau hơn 70 năm kể từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, nhiều sử gia trong và ngoài nước đã cố gắng tìm hiểu và lý giải nguyên nhân vượt qua thác ghềnh của chính quyền trong những ngày tháng muôn trùng khó khăn ấy.
Đã có nhiều bài phân tích sâu sắc về thiên tài Hồ Chí Minh, về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong chiến lược, sách lược đối phó với thù trong giặc ngoài.
Rõ ràng, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định làm nên thắng lợi, bởi chỉ có Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh mới giương cao được ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, phát huy cao nhất được nguồn lực của toàn dân; tạo nên thành quả vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc là nhân dân thực sự được làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh của mình kể từ sau Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi diễn ra Lễ Tuyên ngôn Độc lập, đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ Lâm thời.
Trong 6 nhiệm vụ Người nêu ra, thì đầu tiên là chống đói, chống mù chữ; thứ 2 là tổ chức Tổng tuyển cử tự do bằng phổ thông đầu phiếu; thứ 3 là bỏ các thứ thuế thân, thuế, chợ, thuế đò; thứ 4 là “Mở một phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ thực dân để lại”; thứ 5 là cấm hút thuốc phiện và thứ 6 là tự do tôn giáo.
Có thể nói trong 6 nhiệm vụ Người nêu ra trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời vừa là những việc cấp bách nhằm nhanh chóng ổn đinh đời sống nhân dân, nhưng cũng là cương lĩnh lâu dài cho một tiến trình cách mạng của dân tộc; trong đó nhiều nhiệm vụ cho đến nay vẫn mang tính thời sự; chẳng hạn như giáo dục cần, kiệm, liêm, chính và cấm hút thuốc phiện.
Thực hiện 6 nhiệm vụ này chính là đưa nhân dân thật sự làm chủ cuộc sống của mình và được hưởng những quyền cơ bản của công dân; điều đó đã được hiện thực hóa trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta sau này.
Đó cũng là nền tảng đầu tiên để chúng ta xây dựng chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân. Rằng, điều đó lý giải vì sao nhân dân đã nghe theo lời hiệu triệu của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhất tề vùng lên làm cuộc Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Và sau đó, cả dân tộc nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào cuộc kháng chiến 9 năm thần thánh, rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm để “non sông thu về một mối”.
Suốt 30 năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhân dân đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi đó là cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của đất nước, vì phẩm giá con người, vì quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân được bắt nguồn từ Cách mạng Tháng Tám.
Nhân dân giữ vững niềm tin với Đảng và Chính quyền trong mọi lúc thử thách, gian nan chính là chúng ta đã thấu hiểu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp củng cố và xây dựng chính quyền: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”
Một nước dân chủ với “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” đã thể hiện rõ ràng chân lý dân là “gốc” của nước. Đó chính là cội nguồn sức mạnh, là sức sống vô song của chính quyền dân chủ nhân dân.
Trải qua hơn 70 năm, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cần, kiệm, liêm, chính vẫn đang là vấn đề cốt lõi của chiến lược đào tạo nguồn nhân lực để có một đội ngũ cán bộ thực sự là người công bộc của nhân dân. Chỉ có như vậy, chính quyền mới thực sự hướng về người dân, mới được nhân dân ủng hộ và đặt trọn niềm tin như hơn 70 năm qua./.