Góp phần phát triển kinh tế các địa phương
Các địa phương đã quán triệt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo đến văn hóa-du lịch, lao động, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung.
Đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Hoàng Long cho biết, các địa phương đã triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương, cũng như cơ chế liên vùng/liên tỉnh với các đối tác nước ngoài.
Cùng với việc ký mới 119 Thỏa thuận quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài, các tỉnh, thành phố đã ký kết 230 Bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Trong công tác ngoại giao kinh tế, mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư nước ngoài tại các địa phương vẫn đạt kết quả khả quan. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương đạt 51,53 tỷ USD, trong đó tiêu biểu dẫn đầu với các dự án lớn trên 1 tỷ USD như Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương, Khánh Hòa...
Bên cạnh đó, giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước đã góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho các địa phương.
Về nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, mỗi năm giải ngân ước đạt khoảng 300 triệu USD với các chương trình, dự án được triển khai trên tất cả 63 tỉnh/thành. Giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước cũng đã góp phần mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho các địa phương của ta như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu…
Các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả công tác công tác văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong hơn hai năm qua, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận và tái công nhận 10 di sản văn hóa của địa phương; cấp phép cho hơn 1.100 đoàn phóng viên nước ngoài đến đưa tin quảng bá, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thu hút lượng kiều hối đầu tư về nước đạt khoảng trên 26 tỷ USD.
Có 52/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của khoảng 3.600 doanh nghiệp kiều bào, trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Hải Phòng, Nghệ An, Long An, An Giang... Liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Chủ động, tích cực triển khai công tác hội nhập quốc tế
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại kinh tế nói riêng, tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc chủ động nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, Thành phố tích cực phối hợp với Bộ ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
Hà Nội rất mong muốn tiếp nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, thu hút đầu tư, góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ hợp tác của Thành phố với các đối tác.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng vai trò cầu nối giữa các địa phương; hỗ trợ các địa phương khai phá những thị trường mới thông qua các việc phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa. Thành phố Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc tham gia xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đến các đối tác tiềm năng. Bộ Ngoại giao có thể phát huy vai trò hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế ngay từ cấp địa phương...
Nhằm phát huy kết quả và thuận lợi trong công tác hỗ trợ địa phương thu hút đầu tư nước ngoài, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) cho rằng, ở cấp quốc gia cần đẩy nhanh cải thiện các thủ tục cấp phép, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Cơ quan đại diện và địa phương cần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực địa phương để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đầu tư, bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu ưu tiên của địa phương. Cơ quan đại diện cần cung cấp cho địa phương kế hoạch về các hoạt động ngoại giao kinh tế, hội thảo và tọa đàm xúc tiến đầu tư cho các địa phương để các địa phương cung cấp thông tin và nếu được, cử đại diện tham gia, trình bày.
Các địa phương cần cung cấp thường xuyên các ấn phẩm về tiềm năng và thu hút đầu tư của địa phương để cung cấp thông tin và quảng bá tại các khu vực và các sự kiện. Trước mắt cần lập một cơ sở dữ liệu và đầu mối liên lạc về xúc tiến đầu tư của địa phương để cung cấp cho các Cơ quan đại diện; cần có hình thức liên kết trang chủ của các cơ quan xúc tiến địa phương với trang chủ của Cơ quan đại diện.
Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế-xã hội
Trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro. Ở trong nước, đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; đồng thời sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn, nhiệm vụ của ngành Ngoại giao, trong đó có các cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ ngày càng nặng nề hơn .
Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Hoàng Long cho rằng thời gian tới các địa phương và Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần gắn kết và đồng hành để phục vụ đắc lực các địa phương phát triển kinh tế. Có thể nói, trong thời gian tới, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, để vượt qua những thách thức này thì kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế phải được xác định là trọng tâm và là một trong những khâu then chốt.
Để có được tăng trưởng mạnh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng, các địa phương phải thu hút một lượng nguồn lực lớn từ bên ngoài. Đó không chỉ là thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn chú trọng đến khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm chuyển đổi về chất trong mô hình phát triển.
Vì vậy, vai trò của các cơ quan đại diện rất quan trọng, là cầu nối với các địa phương và nước sở tại, đặc biệt là những địa bàn công nghiệp phát triển, có tiềm năng và thế mạnh về công nghệ, giáo dục, đào tạo...
Từ phía địa phương cũng cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện cùng đồng hành. Coi sự thành công của các địa phương cũng chính là sự thành công của ngành ngoại giao. Sự phát triển lớn mạnh của các địa phương chắc chắn sẽ góp phần quan trọng cho phát triển chung của đất nước.
Với quyết tâm và nỗ lực chung của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có những bước phát triển toàn diện hơn, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
Theo http://vietnam.vn