Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT - ông Trần Mạnh Hùng đã báo cáo Thủ tướng các kết quả đạt được sau tái cơ cấu. Với việc áp dụng mô hình quản trị mới, tinh giản biên chế, tách biệt khối kinh doanh, kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, sau 2 năm tái cấu trúc, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập của người lao động của VNPT đều tăng. Tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đạt 213.165 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 15,7%/năm). Tổng lợi nhuận đạt 34.091 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 - giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT - lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm). Tổng lợi nhuận hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đạt 12.240 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,1%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 17,9%/năm).
Chủ tịch HĐTV Trần Mạnh Hùng cũng báo cáo VNPT đã triển khai áp dụng mô hình quản trị hiện đại của các doanh nghiệp VT - CNTT quốc tế; Xây dựng hệ thống chức danh, khung năng lực và mô tả công việc và hệ thống công cụ phần mềm quản lý; Tăng cường nhân lực lao động trực tiếp, tinh giản lực lượng cán bộ quản lý. Sau hai năm, lực lượng kinh doanh của VNPT hiện đã chiếm khoảng gần 40% nhân lực toàn Tập đoàn, tăng gấp gần 4 lần so với trước khi tái cấu trúc. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động gián tiếp cũng được giảm xuống. Đặc biệt số lượng lao động quản lý đã giảm xuống chỉ còn một nửa, thậm chí có những đơn vị xuống chỉ còn 1/3 so với trước đây.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định sau khi tái cơ cấu, VNPT đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, VNPT đã chú trọng phát triển công nghệ công nghiệp, tự sản xuất các thiết bị đầu cuối phục vụ nhu cầu phát triển của chính VNPT và nhiều doanh nghiệp viễn thông - CNTT khác, giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng.
Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh cũng đánh giá cao việc VNPT thực hiện tái cơ cấu nhưng vẫn ổn định được tư tưởng cán bộ, công nhân viên. Trước tái cơ cấu, VNPT nằm trong nhóm chịu rủi ro lớn, có nguy cơ giảm thị phần mạnh song những kết quả đạt được đã vượt sự mong đợi.
Sau khi nghe báo cáo của VNPT và ý kiến của các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành quả đạt được của VNPT. Thủ tướng khẳng định, tái cơ cấu thành công là nhờ sự “quyết tâm, quyết liệt” của Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn VNPT. Trong một khoảng thời gian ngắn VNPT đã thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện và bước đầu đạt những kết quả khả quan. Sở dĩ cần có sự quyết liệt khi tái cơ cấu là vì trong quá trình này xảy ra “nhiều va chạm, nhiều rủi ro”.
Thủ tướng nhận định: “Viễn thông là ngành mũi nhọn, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước”, nhất là trong thời đại ngày nay. Tầm quan trọng của viễn thông không chỉ là sự đóng góp cho tăng trưởng GDP quốc gia, tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước mà cả trong hội nhập quốc tế.
Trong quá trình tái cơ cấu, VNPT đã thay đổi hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị của doanh nghiệp viễn thông - CNTT hiện đại. Kết quả là đầu mối quản lý giảm xuống (trước tái cơ cấu có đến 163 đầu mối quản lý), chất lượng giá trị doanh nghiệp tăng cao, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Từ đó, cạnh tranh tốt hơn trong thị trường viễn thông, doanh thu, lợi nhuận đều tăng, vốn nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn phát triển. Thủ tướng khẳng định, những thành quả đạt được của VNPT trong quá trình tái cơ cấu chứng tỏ tầm quan trọng của quá trình này đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng cũng ghi nhận: Mặc dù tiến hành tái cơ cấu, VNPT vẫn duy trì được đời sống cho người lao động, nhất là người lao động trực tiếp theo hướng ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, VNPT đã sử dụng những công cụ CNTT để quản lý và đánh giá chất lượng làm việc của người lao động. Thủ tướng đánh giá cao quá trình tái cơ cấu của VNPT đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập của VNPT trong quá trình tái cơ cấu. Đó là chưa hoàn thành toàn diện tái cơ cấu theo Quyết định 888/QĐ-TTg, năng suất lao động và số lượng thuê bao điện thoại chưa cao. Về vị thế trên thị trường viễn thông, VNPT hiện đứng thứ 2 sau Tập đoàn Viettel. Thủ tướng nhìn nhận, sở dĩ năng suất lao động của VNPT thấp hơn so với Viettel một phần là do vấn đề lịch sử, Viettel là tập đoàn mới thành lập và cơ chế quản lý thuận lợi hơn. VNPT ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh còn phải thực hiện một số nhiệm vụ khác do Nhà nước giao phó.
Thủ tướng khẳng định viễn thông vẫn tiếp tục là ngành mũi nhọn, thúc đẩy liên kết trong quá trình kinh doanh, do đó VNPT cần có giải pháp cụ thể để có lợi nhuận cao hơn, bảo tồn vốn nhà nước tốt hơn. Tối đa hóa giá trị để mang lại lợi nhuận cao nhất chính là hai tiêu chí quan trọng để Chính phủ đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ cho VNPT phải cố gắng vươn lên vị trí hàng đầu thị trường viễn thông Việt Nam, cả về hạ tầng viễn thông, băng rộng và vệ tinh, đưa nhà mạng di động Vinaphone đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ, sản phẩm CNTT, tham gia phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến…; nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền mạng dữ liệu chuyên dùng về đến cấp xã để có thể tổ chức hội nghị trực tuyến Chính phủ với chính quyền cấp xã. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị VNPT tham gia xây dựng trang web cho 425 xã đặc biệt khó khăn, từ đó tạo điều kiện để Chính phủ và doanh nghiệp hỗ trợ các xã này.
Liên quan đến tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu VNPT tiếp tục hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xây dựng phương án cổ phần hóa mạnh mẽ hơn và xây dựng chiến lược phát triển theo giai đoạn, đầu tư có trọng điểm, hiệu quả.
Đối với mô hình hiện tại của Tập đoàn VNPT, Thủ tướng yêu cầu nếu trong quá trình hoạt động có những khó khăn, cản trở thì cần tiến hành sửa đổi trên tinh thần bộ máy tinh gọn, hiệu quả để VNPT thực sự là đơn vị chủ lực trên thị trường viễn thông Việt Nam./.