Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia và Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tới dự.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011, cho phép Bộ đội Biên phòng triển khai thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển được đặt tại cảng vụ các địa phương, hình thành một cửa khai báo thủ tục tàu ra vào cảng.
Đến cuối tháng 4/2016, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan đã phối hợp triển khai kết nối chính thức Cổng thông tin một cửa của Bộ Quốc phòng với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hai hệ thống sau khi kết nối chính thức đã giúp các DN và đại lý hàng hải khai báo hồ sơ thủ tục biên phòng điện tử (tại 7 đơn vị biên phòng cảng biển/34 cảng biển) qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Qua thời gian triển khai chính thức từ 29/4/2016 đến ngày 30/5/2016, các đơn vị biên phòng cửa khẩu cảng biển, thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tiếp nhận xử lý trên 2.800 hồ sơ, trong đó, đồng ý 1.600, yêu cầu chỉnh sửa trên 1.200 hồ sơ; với tổng số trên 1.800 lượt phương tiện, trên 33.300 thuyền viên, 680 hành khách.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến thời điểm hiện tại, việc kết nối hai hệ thống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Như vậy, Bộ Quốc phòng là bộ thứ 10 đã kết nối (trong tổng số 14 bộ, ngành) với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh 4 lợi ích khi Cổng thông tin một cửa Bộ Quốc phòng kết nối một cửa quốc gia hướng tới một cửa ASEAN là bảo đảm được tính thống nhất trong kết nối hệ thống xử lý thủ tục hành chính biên phòng cửa khẩu.
Thứ hai là giảm chi phí, thời gian chuẩn bị hồ sơ do doanh nghiệp chỉ phải khai báo đến một điểm tiếp nhận duy nhất là cổng thông tin một cửa quốc gia. Thứ ba là bảo đảm tính thuận lợi trong triển khai mở rộng toàn quốc cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển.
Thứ tư là tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, quá cảnh của Bộ Quốc phòng thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
“Như vậy lợi ích rất rõ, không chỉ thuận lợi về thương mại, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt phiền hà và thời gian cho doanh nghiệp mà ý nghĩa kinh tế còn thể hiện ở chỗ tăng cường quản lý được, đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, kiểm soát được những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, đây là bước rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến năm 2018 thủ tục hành chính ngang bằng nhóm ASEAN - 4”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia đến năm 2018 đạt ít nhất 80% tổng số thủ tục hành chính có liên quan đến xuất nhập hàng hóa, phương tiện, người và phương tiện nhập cảnh, quá cảnh. Tới năm 2020, toàn bộ 100% thủ tục hành chính này thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia thu phí điện tử.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng với một nước có bờ biển dài, vùng biển rộng, nhiều cảng biển lớn như Hải Phòng, TPHCM, Nha Trang, Vũng Tàu… việc mới có biên phòng tại 7 cảng biển được kết nối với một cửa quốc gia là còn ít. Do đó, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục triển khai kết nối tại các cảng biển còn lại và nối với một cửa quốc gia, hướng đến Việt Nam tham gia đầy đủ vào cơ chế một cửa của ASEAN trong tương lai.
"Bộ Quốc phòng tiếp tục mở rộng dịch vụ, hành chính có liên quan thuộc chức năng của Bộ. Dự kiến đến năm 2020, 13 bộ thủ tục thuộc thẩm quyền của Bộ cần được áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng căn cứ vào kinh phí của mình, đề xuất kinh phí chung để nâng hệ thống công nghệ thông tin của Bộ lên mức cấp độ dịch vụ lên cấp độ 4; chỉ đạo các cơ quan hữu quan có kế hoạch, đề án tổng thể, bảo đảm ngang bằng các nước ASEAN, hướng tới Cổng thông tin điện tử ASEAN”, Phó Thủ tướng yêu cầu.