Để trở thành trung tâm giáo dục, y tế của miền trung
Đối với Thừa Thiên Huế, với lịch sử mấy trăm năm là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của đất nước dưới triều Tây Sơn và nhà Nguyễn, cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước một thời.
Đối với các lĩnh vực khoa giáo, Thừa Thiên Huế có những tiền đề quan trọng mang đặc trưng riêng. Vùng đất này là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, có Trường Đại học thứ hai của Việt Nam - Quốc Tử giám Huế, nơi lưu dấu ấn của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Nổi tiếng có trường Quốc học với lịch sử 120 năm hình thành và phát triển - mái trường gắn liền với tên tuổi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và những tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm, tinh thần say mê học thuật của nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo, học sinh. Cũng từ rất sớm, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng được thành lập, trở thành một trong những tiền đề quan trọng phát triển tiềm năng khoa học xã hội, nhân văn của tỉnh.
Tiếp đó, năm 1957, giữa lúc toàn dân đang tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Viện Đại học Huế ra đời đã tiếp nối truyền thống giáo dục tinh hoa đã có nguồn mạch lâu đời ở vùng đất này. Nơi đây còn tự hào có bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam (Bệnh viện Trung ương Huế) và đội ngũ y sĩ, bác sĩ, lương y, lương dược đông đảo, giàu tâm huyết... Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã “gạn đục khơi trong”, phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có, trở thành một trong những nơi hình thành, gìn giữ và bảo lưu những nét truyền thống tốt đẹp và con người tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng, chính quyền toàn tỉnh đã chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nói chung; đồng thời đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo công tác khoa giáo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra phương hướng:“…Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á…”. Với phương hướng đã đề ra, bằng sự nổ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, công tác khoa giáo của tỉnh đến nay đã đạt nhiều thành tựu rất có ý nghĩa.
Giáo dục - đào tạo: có những bước tiến vững chắc về quy mô và chất lượng đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được hoàn thiện với 207 trường mầm non, 219 trường tiểu học, 131 trường THCS, 40 trường THPT; toàn tỉnh có 246 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân đạt 99%/năm, tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng bình quân 60%/năm; 100% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và nhiều giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Công tác phổ cập giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực: 100% xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Đại học Huế tiếp tục phát triển về cả quy mô, chất lượng, ngày càng khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn của miền Trung và cả nước với 108 ngành đào tạo đại học, 71 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 31 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 68 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II và 15 chương trình liên kết đào tạo với các trường có uy tín ở nước ngoài; hàng năm đào tạo trên 95.000 sinh viên. Học viện Âm nhạc Huế ngày càng có sự khởi sắc trong công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tác, biểu diễn phục vụ cộng đồng và phục vụ các nhiệm vụ chính trị, được dư luận đánh giá cao.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các tuyến được nâng cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển mạng lưới y tế từ tuyến trung ương đến cơ sở. Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư xây dựng và phát triển khá toàn diện theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hoá. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được xây mới, cải tạo và nâng cấp hoàn chỉnh. Có 139/152 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 91%). Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt trên 81%. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt kết quả tốt, nhiều năm liền không để xảy ra dịch, bệnh lớn.
Các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bệnh viện Trung ương Huế - một trong bốn bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước, hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu tiếp tục khẳng định và nâng cao uy tín, vị thế của mình của thông qua việc triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến: ghép tim, ghép thận, điều trị vô sinh, nghiên cứu, ứng dụng thành công tế bào gốc tạo máu để điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng… Bệnh viện Trường Đại học Y Dược là Bệnh viện đa khoa hạng I đã có bước phát triển vững chắc, từng bước khẳng định vai trò trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về y tế, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm được quan tâm đầu tư, hoạt động ngày càng hiệu quả, đã đáp ứng yêu cầu của một trung tâm khu vực.
Nâng tầm khoa giáo nhằm phát triển kinh tế - xã hội
Khoa học - công nghệ phát triển đúng hướng, tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng, phục vụ đắc lực cho các ngành, địa phương của tỉnh. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong đổi mới phương thức thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng thành công các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao… góp phần chuyển dịch cơ cấu và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá. Tiềm lực khoa học – công nghệ được tăng cường và phát triển. Đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ phát triển cả số lượng và chất lượng, chuyên ngành đa dạng, có khả năng nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Hạ tầng, thiết chế về khoa học - công nghệ được quan tâm đầu tư, phát triển. Hệ thống tổ chức, quản lý hoạt động khoa học - công nghệ tiếp tục được kiện toàn, đổi mới.
Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự quan tâm của toàn xã hội. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương, đơn vị có sự chuyển biến tích cực. Các vụ gây ô nhiễm môi trường đã được giải quyết khá kịp thời. Hoạt động thể dục - thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao được duy trì, phát triển mạnh. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển, số người/gia đình tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên tăng nhanh. Các vận động viên Thừa Thiên Huế đã giành được nhiều huy chương trong các giải đấu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Công tác dân số - gia đình - trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,33% (năm 2005) xuống còn 1,10% (năm 2014); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 26% (năm 2014) xuống còn 15,5%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm đáng kể. Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh từng bước ổn định, kiện toàn về mặt tổ chức, phương thức hoạt động ngày càng được đổi mới và đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Số lượng các hội thành viên tăng và đã phát huy vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện xã hội...
Như vậy, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự quan tâm của của các ngành, các cấp, sự nổ lực của đội ngũ cán bộ khoa giáo, lĩnh vực khoa giáo của tỉnh ngày càng phát triển, hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã nêu, công tác khoa giáo vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, như dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã nêu:“…Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực…”. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:
Các cấp uỷ đảng, chính quyền cần xác định đúng đắn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khoa giáo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; quán triệt sâu sắc hơn những nghị quyết, chỉ thị của Đảng về các lĩnh vực khoa giáo, từ đó vận dụng sáng tạo và chủ động vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đã được xác định trong đại hội của các chi, đảng bộ, để đưa công tác khoa giáo của chi, đảng bộ có sự đổi mới, phát triển về chất. Những người làm công tác khoa giáo cấp uỷ cần phát huy vai trò trong việc tham mưu cho cấp uỷ tổng kết thực tiễn, khảo sát, nghiên cứu, phát hiện và nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trong lao động và sản xuất, mạnh dạn đề xuất giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay, nhất là trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ...
Tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa ban tuyên giáo các cấp với các ngành, các đơn vị trong khối khoa giáo, thường xuyên duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin hai chiều để hiểu sâu tình hình thực tiễn, kịp thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên lĩnh vực khoa giáo.
Cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, ban hành, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm phát huy tối đa nhân tố con người, đặc biệt cần quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nhà sáng chế làm việc, cống hiến. Đặc biệt, lực lượng cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong các ngành khối khoa giáo cần tích cực đổi mới tư duy, năng động, nhanh nhạy tiếp thu kiến thức mới, say mê nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến mới có giá trị hơn, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống... góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.