Cùng với tiến trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin này, thông tin trên mạng đã trở thành tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Các doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động và phát triển nếu thông tin hoặc hệ thống thông tin của doanh nghiệp bị đánh cắp, bị phá hoại. Các cơ quan nhà nước sẽ không thể phục vụ người dân nhanh chóng và thuận tiện nếu các trang, cổng thông tin điện tử bị tấn công làm gián đoạn hoạt động. Cải cách hành chính, chính phủ điện tử, thương mại điện tử và một loạt chương trình lớn của quốc gia sẽ không thể thực hiện được nếu an toàn thông tin không được bảo đảm.
Trong xu hướng phát triển chung của công nghệ, sự tích hợp và hội tụ của mạng xã hội, thiết bị di động, công nghệ lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang và sẽ định hình nên xã hội thông tin trong tương lai. Bốn xu hướng này thay đổi căn bản cách thức tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cách thức áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Nguy cơ, rủi ro, thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm an toàn thông tin ngày càng phức tạp, tinh vi, khó có thể dự báo trước, mức độ thiệt hại khi xảy ra sự cố cũng ngày càng lớn.
Trước tình hình đó, ngày 19/11/2015, Luật an toàn thông tin mạng đã được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, làm nền tảng cho việc triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm triển khai các hoạt động cụ thể như sau:
1. Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn Luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, thuận lợi, bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin tại Việt Nam. Có biện pháp cụ thể nhằm động viên, khuyến khích các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam có chất lượng cao.
2. Xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào khả năng phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin, thích ứng linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và giảm nhẹ hậu quả của các cuộc tấn công, nâng cao năng lực mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố về an toàn thông tin, nhanh chóng khôi phục trở lại trạng thái bình thường của hệ thống khi xảy ra sự cố.
3. Tăng cường thuê dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin của tổ chức, doanh nghiệp, coi đây là giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, thúc đẩy thị trường sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam phát triển.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, cử nhân tại các cơ sở đào tạo thông qua các hoạt động thực tập, hướng nghiệp cho sinh viên chuyên ngành an toàn thông tin. Thí điểm xây dựng, biên dịch một số giáo trình đào tạo an toàn thông tin theo chương trình quốc tế.
5. Triển khai tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin.
Nhân Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cùng toàn thể cộng đồng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và giới truyền thông cùng chung tay, góp sức, phát huy sức mạnh tổng thể của toàn xã hội cho công tác bảo đảm an toàn thông tin. Đây là cơ sở để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.
TS. NGUYỄN BẮC SON
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông