Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và những điểm mới
Ngày cập nhật 18/11/2015

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật 2015). Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (gọi là Luật 2003). Luật có 8 chương, 143 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016. So với Luật Tổ chức HDND cà UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có những điểm mới như:

Thứ nhất, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp thẩm quyền nhằm cụ thể hóa Điều 112 của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương, Luật năm 2015 đã phân định các nguyên tắc phân định thẩm quyền, các trường hợp phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Cụ thể, có 6 nguyên tắc phân định thẩm quyền gồm:

Một là, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Hai là, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ.

Bốn là, việc phân định thẩm quyền phải phù hợp điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực.

Năm là, công việc liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cùng cấp trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp trên, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác.

Sáu là, chính quyển địa phương được đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp.

Về phân quyền, Luật quy định việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật; chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Về phân cấp, Luật quy định căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước thực hiện phân cấp.

Về ủy quyền, Luật quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho UBND cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Thứ hai, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa phương đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. Cụ thể:

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phải thực hiện như tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; quyết định những vấn đề của phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền...

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND trên các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa hai thiết chế HĐND và UBND hợp thành chính quyền địa phương.

Đặc biệt, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, thị xã ngoài việc quyết định các vấn đề của địa phương như đối với địa bàn nông thôn, còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý và tổ chức đời sống dân cư đô thị...

Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quận và phường đã được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu quản lý thống nhất, liên thông trong khu vực nội thành, nội thị tại các đô thị. Cụ thể, ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và giám sát theo quy định chung, tập trung thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ liên quan đến việc quyết định các vấn đề ở địa phương gồm: Thông qua ngân sách quận, phường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và bầu nhân sự của HĐND và UBND cùng cấp.

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với lãnh đạo Đại học Huế

Bổ sung  Điều 124 quy định về việc điều động, cách chức Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Thứ ba, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng đã quy định rõ số lượng cấp phó. Một điểm mới đáng chú ý khác là Luật năm 2015 đã bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên của UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND. Theo đó, cơ cấu và tổ chức hoạt động của UBND có những nội dung mới. Trong đó, nổi bật là việc quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính. Cụ thể:

-          Đối với cấp tỉnh, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại và các tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II và loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND.

-          Đối với cấp huyện, loại I không quán 03 Phó Chủ tịch UBND; loại II và loại III không quá 02 Phó Chủ tịch UBND.

-          Đối với cấp xã, loại I không quá 02 Phó Chủ tịch UBND, loại II và loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.

Thứ tư, về tiêu chí, tiêu chuần thành lập các ban:

-          Ban Dân tộc của HĐND là vấn đề hết sức cụ thể, liên quan đến việc bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc chung của cả nước cũng như ở từng địa phương nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, cần phải được tiếp tục xem xét, cân nhắc kỹ thêm. Do đó, để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, Luật quy định Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập Ban Dân tộc của HĐND.

-          Ban đô thị của HĐND chỉ tổ chức ở thành phố trực thuộc trung ương vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị đơn lẻ khác là thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

-          Trưởng các Ban của HĐND cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách. Trưởng, Phó Trưởng Ban của HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 02) và Phó Chủ tịch HĐND cấp xã (số lượng 01) hoạt động chuyên trách.

-          Về các Ban của HĐND cấp xã gồm: Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội; Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên khác của Ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm; Trưởng ban không nằm trong Thường trực HĐND nên không dẫn đến tăng biên chế và bộ máy ở cấp xã. Luật quy định Thường trực HĐND phê chuẩn Ủy viên của các Ban của HĐND theo đề nghị của Trưởng ban; HĐND chỉ tiến hành bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban.

Thứ năm, về cơ cấu:

-          Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cơ cấu Thường trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng HĐND; Thường trực HĐND huyện gồm: Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban của HĐND.

-          Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng quy định rõ cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị, hải đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt.

-          Về cơ cấu tổ chức của UBND: Mở rộng cơ cấu UBND bao gồm người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Thành phần của UBND các cấp gồm người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND và quy định rõ 01 Ủy viên phụ trách quân sự và 01 Ủy viên phụ trách công an để phụ trách về các lĩnh vực hoạt động quan trọng này ở địa phương.

Thứ sáu, về đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.

Luật 2015 quy định khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án, trình HĐND các cấp thông qua chủ trương.

Thứ bảy, về thẩm quyền đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính và giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính. Bổ sung quy định về thẩm quyền đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính và giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính.

Tóm lại, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân ở địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước

Công Quyền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.354.390
Hiện tại 1.801 khách