* Mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế
- Hoàn thiện cơ chế đảm bảo chất lượng phục vụ của các đơn vị sự nghiệp công, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; thể chế về quyền tham gia, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong việc ban hành, thực hiện các quy định, chính sách theo Hiến pháp và pháp luật đảm bảo hệ thống quản lý nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
- Thủ tục hành chính được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80%; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt trên 80%; mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt trên 80% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, năng lực hoàn thành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; 100% cơ quan nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, 100% công chức cấp xã vùng đồng bằng và 90% ở vùng miền núi đạt tiêu chuẩn theo chức danh.
- Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên mức 80% vào năm 2020.
- 100% trụ sở của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đầy đủ, hiện đại, văn minh, đáp ứng tốt yêu cầu công vụ.
- 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên và 70 – 80% xã, phường, thị trấn công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
- 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tiếp ở mức độ ba và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tiếp tối thiểu mức độ bốn tới người dân và doanh nghiệp.
- Đến năm 2020, trên 80% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện dưới dạng điện tử bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan. 100% UBND xã, phường, thị trấn có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.
* Những điều người dân cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính
- Khi tới cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính công dân có quyền yêu cầu cán bộ tiếp nhận cung cấp giấy tiếp nhận hồ sơ.
- Bộ phận TN&TKQ không được yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp thêm bất kỳ một loại giấy tờ nào khác ngoài danh mục thành phần hồ sơ theo quy định tại Quyết định của UBND tỉnh về công bố Bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành.
- Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, bộ phận TN&TKQ hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, điều chỉnh nội dung, gia hạn thời gian giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc đầy đủ, một lần bằng văn bản.
Thời gian yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ không quá 03 ngày (với hồ sơ có thời gian giải quyết dưới 16 ngày); 05 ngày (với hồ sơ có thời gian giải quyết trên 16 ngày) tính từ ngày bộ phận TN&TKQ chuyển hồ sơ đến phòng chuyên môn thụ lý.
- Khi hồ sơ bị trễ hẹn, người dân có quyền yêu cầu bộ phận một cửa phải có giấy gia hạn hồ sơ. Thời gian gia hạn bằng 1/3 thời hạn giải quyết theo quy định của từng loại TTHC.
- Lãnh đạo bộ phận TN&TKQ, lãnh đạo phòng chuyên môn trực tiếp xin lỗi hoặc phát hành văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân khi hồ sơ có hai lần sai sót liên quan một trong các trường hợp sau: Thời gian giải quyết chậm; tiếp nhận thiếu thành phần, số lượng; hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung nội dung hồ sơ; gia hạn thêm thời gian trả kết quả; chậm giao trả kết quả mà không có lý do chính đáng.
- Việc tiếp nhận hồ sơ và giao trả kết quả thực hiện tại một đầu mối duy nhất là bộ phận TN&TKQ của cơ quan hành chính. Tổ chức, cá nhân không liên hệ với phòng chuyên môn để được giải quyết TTHC.
- Hiện nay các cơ quan hành chính nhà nước đang triển khai cung cấp các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến), cụ thể:
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, người dân chỉ phải đến cơ quan hành chính khi nhận kết quả và thanh toán lệ phí (nếu có).
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: cho phép người sử dụng nộp hồ sơ, nhận thông báo và thanh toán lệ phí (nếu có) trên môi trường mạng. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
* Người dân đánh giá mức độ hài lòng trong thực hiện quy chế một cửa, một cửa liên thông
- Khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, người dân có quyền yêu cầu bộ phận TN&TKQ cung cấp phiếu đánh giá mức độ hài lòng theo Quyết định số 469 /QĐ-UBND ngày 05/3/2015 của UBND tỉnh về Ban hành Quy định khảo sát lấy ý kiến mức độ hài lòng trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.