Từng bước tiêu chuẩn hóa
Theo đó, nhà trường đã chú trọng việc giảng dạy và học tập phải gắn giữa đào tạo về lý luận và nghiên cứu thực tế, quan tâm cải tiến nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thiết thực hơn. Trong đó, chú trọng bám sát yêu cầu của thực tiễn đặt ra để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết với phương châm “học đi đôi với hành” nhằm phát huy năng lực tư duy, vận dụng sáng tạo những kiến thức lý luận để giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống. Đồng thời tổ chức thực hiện chương trình đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh cho học viên.
Từ 3 năm qua (2012 đến 2014) Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh thực hiện đào tạo chương trình TCLLCT gồm 24 lớp với 2.048 học viên; với 15 lớp bồi dưỡng Quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và chuyên viên chính, gồm 1.112 học viên; 45 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác của các sở, ban, ngành, đoàn thể, gồm 3.449 học viên.
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính 2014
Qua đó, nhà trường đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ lý luận chính trị và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh. Từng bước tiêu chuẩn hóa chức danh, ngạch, bậc theo quy định của nhà nước, đảm bảo công tác quy hoạch gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Sau khi được đào tạo, đội ngũ cán bộ đã được nâng cao nhận thức chính trị đem lại hiệu quả trong công tác, nhiều đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm đã phát huy tốt chức trách nhiệm vụ của mình. Vì vậy, các cán bộ đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị cơ sở địa phương. Thực tế cho thấy, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, cũng như từng ngành, từng đơn vị cơ sở.
Tuy nhiên, theo kết luận của nhà trường, trong đào tạo, bồi dưỡng, việc giảng dạy gắn giữa lý thuyết với vận dụng kiến thức thực tiễn, nhất là kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực, các kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng hành chính; kỹ năng xử lý tình huống... vẫn còn có nhiều hạn chế do kiến thức thực tiễn của giảng viên chưa được phong phú. Trong giảng dạy tuy có nhiều đổi mới trong phương pháp nhưng vẫn chưa phát huy được tính tích cực của học viên, chưa có biện pháp quản lý khâu tự học, tự nghiên cứu của học viên. Một số học viên đi học chỉ vì mục đích có bằng cấp cho đủ chuẩn hóa nên việc đến trường tham gia học tập chưa được nghiêm túc. Đa số học viên vừa học vừa làm nên thời gian đầu tư cho học tập trung không nhiều.
Trau dồi để hội nhập
Trăn trở những vấn đề trên, ông Trần Duy Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho hay: “Phải tiếp tục có những giải pháp cần được khắc phục trong thời gian đến. Cụ thể là: Cần tạo chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước là một khâu hết sức quan trọng của công tác cán bộ. Là một hoạt động thường xuyên nhằm đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức cập nhật những kiến thức mới trong điều kiện hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý cán bộ, công chức của đơn vị mình phải luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức đơn vị mình được học tập, nâng cao trình độ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trình độ lý luận chính trị, kỹ năng hoạt động công vụ. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ theo chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải dựa trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của từng chức danh để xem xét cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và bố trí sử dụng sau đào tạo. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức phải xác định trách nhiệm là học tập thường xuyên để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao.
Giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc lần thứ V - 2014
Tiếp đó, nhà trường đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng sát với đội ngũ cán bộ, công chức theo chức trách công việc được giao; chú ý bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết tình huống cụ thể. Phát huy sự chủ động, sáng tạo của học viên; lựa chọn mô hình nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn ở cơ sở. Đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho từng chức danh theo định kỳ hàng năm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan đơn vị quản lý cán bộ trong quá trình tuyển sinh, mở lớp, tổ chức đánh giá đào tạo và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.
Nhà trường cũng không ngừng xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức lối sống trong sáng, có trình độ chuyên môn sâu, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Tạo điều kiện cho giảng viên đào tạo nghiên cứu sinh, cao học theo chuyên ngành... Đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên thính giảng là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có kinh nghiệm tham gia giảng dạy, báo cáo các chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, anh ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...
Song song đó là tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường để từng bước hiện đại hóa, phục vụ công tác học tập đối với học viên, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt, nơi ăn, ở của học viên ngày càng khang trang, đầy đủ hơn”.