Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
8 điểm nhấn về CCHC tại Văn phòng Chính phủ
Ngày cập nhật 13/07/2015

Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình công tác; đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc họp; đẩy mạnh thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; cải cách việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra… là những kết quả nổi bật mà Văn phòng Chính phủ đã đạt được qua thực hiện các phong trào thi đua nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị tọa đàm xây dựng các điển hình tiên tiến và đề án tổ chức tuyên dương các điển hình tiên tiến khối thi đua các Bộ, ngành tổng hợp vừa được tổ chức tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng, Chủ tịch Công đoàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ những kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tại Văn phòng Chính phủ.

Ông Dũng cho biết: Bám sát mục tiêu cơ bản là phục vụ tốt nhất cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, Văn phòng Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp xây dựng phong trào thi đua và tôn vinh điển hình tiên tiến với nội dung, hình thức phong phú, sát thực và ý nghĩa. Các phong trào thi đua đã tạo ra động lực để các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực cải cách hành chính, đổi mới cách làm, từng bước nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình công tác

Trước hết, về rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành hệ thống quy chế, quy định, quy trình đối với từng lĩnh vực công tác. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, thời gian qua, VPCP đã rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành hệ thống quy chế, quy định, quy trình đối với từng lĩnh vực công tác. Ban hành Sổ tay công tác VPCP và tổ chức tập huấn các quy chế, quy định để công chức Văn phòng Chính phủ thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn trong công tác tham mưu, tổng hợp và phục vụ.

Một số quy chế, quy định VPCP đã tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong thời gian qua là: Quy chế làm việc của Chính phủ; Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ; Xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quy định tổ chức, phục vụ các chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại địa phương; Quy chế công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản; Quy chế thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế văn hóa công sở; Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động; Quy chế thi đua, khen thưởng…

Trên cơ sở hệ thống quy chế, quy định được ban hành đã tạo ra được hoạt động thống nhất trong toàn cơ quan. Đồng thời, các quy chế, quy định được ban hành là cơ sở pháp lý cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cải cách giao ban công tác VPCP

Ngay trong hoạt động của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, việc giao ban hàng tuần của lãnh đạo VPCP với các Vụ, Cục, đơn vị cũng được cải tiến.

Trước đây việc giao ban tổ chức trong giờ hành chính vào thứ 6 hằng tuần. Xuất phát từ tình hình thực hiện các chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các hoạt động khác, việc tổ chức giao ban trong giờ hành chính sẽ hạn chế việc phục vụ hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng và công tác phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đối với các bộ, ngành, địa phương.

Để tận dụng tối đa thời gian phục vụ, tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng và xử lý kịp thời các kiến nghị, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, VPCP trong những năm qua đã tổ chức giao ban ngoài giờ hành chính (từ 7-8 giờ sáng thứ 6 hằng tuần). Do đó, đã dành được nhiều thời gian phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.

Đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng

Một trong những cải cách hành chính mạnh mẽ, quan trọng và hiệu quả nhất trong những năm qua của VPCP là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình quản lý, xử lý văn bản, đề án, hồ sơ công việc của VPCP.

Từ ngày 01/01/2012, toàn bộ hồ sơ công việc của cơ quan được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Việc xử lý hồ sơ công việc của từng chuyên viên đều được lãnh đạo Vụ, lãnh đạo VPCP giám sát chặt chẽ, đúng quy trình và tiến độ. Đồng thời, VPCP cũng đã công khai thông tin việc tiếp nhận và tiến độ xử lý trên mạng hành chính điện tử của Chính phủ để các cơ quan trình theo dõi, giám sát góp phần nâng cao trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ xử lý các đề án, dự án.

VPCP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nề nếp việc gửi hồ sơ điện tử.

Đến nay có 178 Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 thông qua mạng hành chính điện tử của Chính phủ đã theo dõi, giám sát chặt chẽ được việc tiếp nhận, tiến độ xử lý của từng hồ sơ công việc của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trình.

Công khai tiến độ thực hiện chương trình công tác tại các bộ, ngành

Trong xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, VPCP đã tham mưu Thủ tướng tổ chức các phiên họp chuyên đề để Chính phủ thảo luận, xem xét, cho ý kiến về định hướng chính sách cơ bản đối với các dự án luật, pháp lệnh; về thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm văn bản. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức các cuộc họp Thường trực Chính phủ để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật quan trọng.

Đồng thời lãnh đạo VPCP, lãnh đạo các vụ cũng thường xuyên chủ động làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo để phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, công khai tiến độ thực hiện chương trình công tác tại các bộ, ngành. Do vậy, những năm gần đây, tình trạng nợ đọng văn bản ngày càng giảm. Ví dụ: Năm 2014, đã thẩm tra, tham mưu tổng hợp trình 29 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều dự án lớn, phức tạp; ban hành 42/48 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, đạt 88%. Cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản (năm 2012 nợ 24 văn bản, năm 2013 nợ 17; năm 2014 chỉ nợ 6, trong đó không còn nợ các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ).  

Nâng cao chất lượng cuộc họp thường kỳ, họp chuyên đề

Đối với các phiên họp thường kỳ, họp chuyên đề của Chính phủ, VPCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị kỹ tài liệu phục vụ cuộc họp; đồng thời có báo cáo tổng hợp từng nội dung, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, các cuộc họp chuyên đề và cuộc họp Chính phủ giải quyết được nhiều nội dung, được sự đánh giá cao của các bộ, ngành.

Để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, tham mưu tổng hợp, VPCP đã triển khai thí điểm việc tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo. Do vậy, đã góp phần nâng cao chất lượng văn bản ban hành; hạn chế tối đa các văn bản có nội dung thiếu tính khả thi.

Cải cách việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

Về cải cách trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã tích cực tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/ 7/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ); ban hành Quy chế tại VPCP (Quyết định số 971/QĐ-VPCP ngày 28/10/ 2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm).

Đồng thời, xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu kết nối đến các Bộ, cơ quan (178 đầu mối); tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng. Đến nay, các ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm hơn, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2015, VPCP đã cập nhật hơn 1.660 văn bản với trên 1.900 nhiệm vụ, công việc được giao cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện.

Cải cách trong công tác thông tin truyền thông

Đối với công tác thông tin truyền thông phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP cũng đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực. Chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về các chủ trương, chính sách, pháp luật, sự chỉ đạo điều hành và các hoạt động đối nội, đối ngoại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là về các sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đặc biệt đã đề xuất có nhiều chuyên mục mới như Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Chương trình “Người dân và Chính phủ”… Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính thống cho công chúng, tạo đồng thuận, nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ: Trong năm 2014, đã phát hành trên 300 thông cáo báo chí, bản tin hàng ngày; gần 50 nghìn tin bài được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; tổ chức 34 Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, 162 chương trình sự kiện tuần, 51 Chương trình “Người dân và Chính phủ”; tổng hợp, xử lý thông tin báo chí, dư luận hàng ngày

Cải cách công vụ, công chức

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, VPCP đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện việc tinh giản biên chế, đồng thời cũng có nhiều cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ; chú trọng tuyển dụng theo phương án cạnh tranh vào từng vị trí việc làm, phù hợp với vị trí tuyển dụng; ưu tiên điều động nội bộ, có cơ chế thu hút cán bộ, công chức trình độ cao, giầu kinh nghiệm công tác từ các Bộ, ngành, địa phương về VPCP.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc cũng được VPCP quan thâm thực hiện. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch Lãnh đạo VPCP, cấp vụ, cấp phòng các giai đoạn.

Thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bảo đảm dân chủ, khách quan, thực hiện chủ trương về công tác cán bộ “có lên, có xuống”.

Tại các đơn vị đã sắp xếp, phân công thành các nhóm làm việc, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hơn. Kết hợp giữa kết quả công tác đánh giá, phân loại cán bộ, thanh tra, giữa kết quả kiểm tra công vụ với việc xem xét bổ nhiệm, điều chuyển hoặc thôi điều hành.

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy chế quy định của cơ quan và đạo đức công vụ, VPCP đã thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt.

Những đổi mới nêu trên đã có tác động và chuyển biến tích cực, tạo động lực mới cho cán bộ làm việc, nhất là đối với cán bộ trẻ, có năng lực; nâng cao rõ rệt tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao.

baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.356.622
Hiện tại 679 khách