Đến dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; các nhà báo Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ cùng đông đảo đội ngũ nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế đã ôn lại truyền thống 90 năm hình thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Từ tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập ra số đầu tiên đến nay, cả nước có gần 1.500 ấn phẩm báo chí các loại. Ngày 21/6 đã trở thành một ngày kỷ niệm của tất cả những người làm báo cách mạng. Tỉnh Thừa Thiên Huế, sau ngày quê hương giải phóng, chỉ có 01 tờ báo in của Đảng bộ và 01 đài phát thanh, với 20 nhà báo từ chiến khu trở về, nay toàn tỉnh có 7 cơ quan báo chí địa phương và Trung ương, 14 văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, 252 hội viên. Trước những yêu cầu đổi mới, các cơ quan báo chí cần bám sát nhiệm vụ chính trị, thường xuyên xây dựng kế hoạch, đổi mới nội dung, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển bền vững.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chúc mừng các cơ quan báo chí, các nhà báo nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; đồng thời, nhấn mạnh: Trong những năm qua, Báo chí Thừa Thiên Huế đã có những bước trưởng thành toàn diện về mọi mặt, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Báo chí đã thể hiện được vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy văn hoá, kinh tế tỉnh nhà phát triển. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tạo không khí chính trị sôi nổi và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đời sống xã hội; báo chí cũng đã tập trung tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, về con người và văn hóa Huế, góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các phần tử thù địch. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay, trước yêu cầu đổi mới và hội nhập, đòi hỏi các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh phải thường xuyên quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Mỗi nhà báo phải tự học hỏi, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; đặc biệt coi trọng việc trau dồi đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.
Đồng chí tin tưởng rằng, thời gian tới, đội ngũ những người làm báo sẽ tiếp tục có những tác phẩm hay, phản ánh đúng, đủ, kịp thời; qua đó giúp cho lãnh đạo tỉnh nắm bắt thông tin để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; cùng đồng hành với Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà phát triển toàn diện về mọi mặt.
Dịp này, Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí cho 02 đồng chí lãnh đạo tỉnh và 01 hội viên nhà báo tỉnh; trao 09 Bằng khen của Hội nhà báo Việt Nam cho thành viên các chi hội nhà báo tỉnh và 02 hội viên. Đồng thời, công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về trao giải báo chí tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII năm 2015 cho các tác giả và nhóm tác giả với 19 giải báo chí (gồm: 04 giải Nhì, 04 giải Ba và 11 giải Khuyến khích):
04 tác phẩm đoạt giải Nhì (không có giải Nhất), gồm: 2 Phim tài liệu “Đời Hến” (nhóm tác giả Diệu Hà - Định Phước và Văn Đình - Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh - TRT), “Huế có một ngày kỵ nhớ đời” (nhóm tác giả Phan Long - Nguyễn Quang Hà và Văn An - TRT); tác phẩm “Hàng lưu niệm và quà tặng du lịch: Mới làm cái mình có, thiếu cái khách cần” (tác giả Ngô Phú Giang báo Thừa Thiên Huế); “Tháo khoán” gói vốn ba mươi ngàn tỷ đồng (tác giả Bạch Văn Quang - báo Thừa Thiên Huế).
04 tác phẩm đoạt giải Ba, gồm: phóng sự truyền hình “Cho sắc xanh vùng ngập mặn” (nhóm tác giả Biên Cương và Trần Thiên - TRT), “Thu hồi đất cho phát triển đô thị: Đừng để nông dân thiệt thòi” (tác giả Hoàng Tâm Huệ - báo Thừa Thiên Huế), “Khơi nguồn vàng trắng” (tác giả Hoàng Minh Giang - báo Thừa Thiên Huế), “Các ngành khoa học cơ bản ở Trường đại học Khoa học Huế: Bao giờ cho đến ngày xưa” (tác giả Đỗ Thị Ngọc Hà - báo Thừa Thiên Huế).