Những con số nói trên cho thấy công nghệ truyền thông ở Việt Nam phát triển quá nhanh. Điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức người dân truy cập và sử dụng thông tin. Chỉ trong một thời gian ngắn, những nền tảng về mặt kỹ thuật của báo chí Việt Nam cũng đã kịp thay đổi một cách toàn diện với việc ra đời và phát triển của 90 tờ báo điện tử, 1.516 trang tin điện tử tổng hợp và gần 400 mạng xã hội. Công nghệ truyền thông mang tính đột phá càng ngày càng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho người làm báo.
Thứ nhất, xâm phạm quyền nhân thân: Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định quyền nhân thân rất rõ ràng từ Điều 26 đến Điều 51 bao gồm các quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền cá nhân đối với hình ảnh; quyền đối với họ tên…
“Nhân thân” theo nghĩa bao quát nhất của từ này là gồm tất cả những gì liên quan đến sự xác định một con người. Quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền con người, quyền công dân. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả những người sử dụng internet của Việt Nam đều có nhiều hơn một tài khoản trên mạng. Dữ liệu về nhân thân trên mạng có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc ngoài đời thật khi bị khai thác và sử dụng trái phép cho mục đích truyền thông. Chúng ta có thể thấy tình trạng phổ biến là người sử dụng tài khoản trên internet do chưa ý thức được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của việc tự nhiên phơi bày nhân thân trên mạng nên nhiều báo điện tử, mạng xã hội… cũng “tự nhiên” khai thác kho dữ liệu này một cách bất hợp pháp. Hiện nay, đa số báo điện tử, mạng xã hội ở Việt Nam đều có hành vi vi phạm quyền nhân thân, nhất là đối với nhóm người nổi tiếng hoặc các cấp lãnh đạo. Tình trạng nói trên là do ý thức pháp luật của công dân còn hạn chế, việc tuân thủ pháp luật của cơ quan báo chí chưa đảm bảo, đạo đức của một bộ phận người làm báo còn không ít yếu kém.
Thứ hai, vi phạm bản quyền: Bản quyền tác giả bị vi phạm nghiêm trọng bởi các báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp tại Việt Nam. Những hành vi phổ biến có thể liệt kê ở đây là sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu; không trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định của pháp luật; cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm; xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu… Tình trạng này là do nguyên nhân hiện nay nhiều trang thông tin điện tử bất chấp những chuẩn mực đạo đức truyền thông, các cơ quan báo chí và tòa soạn điện tử không bảo vệ được phóng viên của mình trước nạn vi phạm quyền tác giả tràn lan trên các trang thông tin điện tử.
Thứ ba, dẫn nguồn không chính thống: Đây không phải là vấn đề chỉ có ở truyền thông của Việt Nam mà cơ quan truyền thông tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều đối mặt với thách thức này. Eric Schmidt, nguyên là Chủ tịch điều hành của Google đã nhận xét đây là vấn đề “khủng hoảng đưa tin”. Trước những hệ thống mạng mở, ra đời ngày càng nhiều, cho phép người dùng chia sẻ thông tin ngay tức khắc ở khắp nơi và dễ dàng tiếp cận, các cơ quan truyền thông chính thống sẽ ngày càng chậm chạp trong lĩnh vực thông tin dù họ có đội ngũ phóng viên giỏi và nguồn tin nhiều. Độ trễ thời gian và tuổi thọ thông tin ngắn ngủi là sức ép để không ít cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử và trang thông tin điện tử sử dụng bừa bãi những nguồn tin không chính thống dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Qua tổng hợp thông tin sai phạm mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng xử lý, việc dẫn nguồn không chính thống từ mạng xã hội của các báo điện tử, trang thông tin điện tử rất phổ biến, thậm chí nhiều tờ báo còn mở chuyên mục như: “Thời sự facebook”… Nên nhớ, thông tin trên mạng xã hội là thông tin của cá nhân, mang tính chủ quan, bản chất thông tin đó là tự do nhưng bất kể hành vi của “công dân ảo” nào cũng phải được điều chỉnh bằng khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà họ sinh sống. Ở Việt Nam, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, kịp thời đáp ứng đòi hỏi thông tin của xã hội và đảm bảo quyền được thông tin theo quy định của pháp luật. Giờ đây, nhiệm vụ quan trọng của đông đảo đội ngũ những người làm báo và các tòa soạn báo điện tử, trang tin điện tử là thu thập thông tin, tổng hợp thông tin, sàng lọc và xác minh nguồn tin cẩn thận để quyết định đăng tải thông tin một cách chính xác, phù hợp với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội và lợi ích quốc gia.
Thứ tư, lệch chuẩn về văn hóa: Văn bản của báo điện tử và trang tin điện tử là siêu văn bản (hypertext), về mặt kỹ thuật hoàn toàn khác với văn bản của báo in. Người đọc trung thành dễ dàng rời bỏ kiểu văn bản báo in được đưa lên báo điện tử nên các tòa soạn bị áp lực phải chạy theo thị hiếu người đọc. Rất nhiều báo điện tử phát triển thiếu chuyên nghiệp, nhanh chóng rời bỏ loại văn bản truyền thống và sử dụng loại văn bản méo mó về mặt ngữ pháp, ngôn từ thô tục. Nội dung thông tin ở một số bài còn thể hiện thiếu văn hóa và thẩm mỹ, phần lớn lôi kéo được độc giả trẻ tuổi sử dụng “ngôn ngữ mạng, hình ảnh mạng” là tình trạng đáng báo động. Thông tin điện tử Việt Nam đang ở trong giai đoạn mà độc giả trẻ tuổi tìm đến những trang thông tin đầy rẫy hình ảnh, thông tin những người nổi tiếng với những scandal như chạy theo mốt. Mặc dù những thông tin như thế thiếu tính chuyên nghiệp so với các cơ quan báo chí chính thống nhưng vẫn gây được sự chú ý. Rõ ràng gánh nặng tường thuật thông tin đã dịch chuyển như nhận định của những chuyên gia nghiên cứu về truyền thông trước xu hướng mới. Chúng ta có thể lên án những loại tin tức lệch chuẩn văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước xử phạt đối với những cơ quan báo chí thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng các cơ quan báo chí, các nhà báo với vai trò dẫn dắt dư luận xã hội cần phải ý thức sứ mệnh của mình để tìm tòi những hướng đi phù hợp với lợi ích cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội.
Trên đây là một số vấn đề nổi cộm hiện nay liên quan đến “Trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo trong thời đại số”.
Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ và Luật Báo chí của nước ta đều có quy định quyền tự do ngôn luận trên nguyên lý nền tảng, đảm bảo giá trị phổ quát của quyền con người: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,…”; “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động”… “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Quy hoạch báo chí đến năm 2025 cũng xác định báo điện tử, thông tin điện tử làm nòng cốt để bắt kịp xu hướng thời đại.
Báo chí và truyền thông Việt Nam là tự do nhưng báo chí và truyền thông phải có trách nhiệm góp phần ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn của xã hội, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển và trường tồn của đất nước, của dân tộc và do đó, báo chí phải có định hướng đúng đắn, góp phần thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới cần phải nâng cao vai trò công dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Nhà báo còn có trách nhiệm xã hội to lớn là góp phần định hướng dư luận, ngăn ngừa, lên án những thông tin xấu độc và duy trì, xây dựng đạo đức xã hội.
Với vai trò tiên phong của mình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trải qua 90 năm phát triển và trưởng thành, báo chí nước ta có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng XHCN. Hiện nay đang là thời điểm bùng nổ thông tin nhờ những phương tiện kỹ thuật mới, báo chí đang đứng trước cơ hội và những thách thức lớn, đòi hỏi người làm báo phải vượt lên chính mình để bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đồng thời phải góp phần cho sự ổn định chính trị-xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.