Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Tăng cường sự phối hợp để bảo hộ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng
Tăng cường sự phối hợp để bảo hộ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng
Ngày cập nhật 15/04/2015
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TTTT phát biểu khai mạc hội thảo

Chiều 13/4/2015, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã phối hợp với tổ chức REACT Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức hội thảo “Bảo hộ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng”. Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ TTTT như Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế, Thanh tra, VNNIC và Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) đã trình bày tham luận và trao đổi cùng gần 100 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TTTT nêu lên những vấn đề vi phạm SHTT đang diễn ra khá phức tạp và những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về bảo hộ sở hữu trí tuệ (STTT) trên môi trường mạng. Hiện nay, có 3 cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm phối hợp với nhau bao gồm Bộ KHCN (Cục SHTT), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) và Bộ TTTT. Trong đó, Bộ TTTT chịu trách nhiệm rất lớn về quản lý tài nguyên và nội dung thông tin trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, còn có những thách thức về cơ chế phối hợp quốc tế trong xử lý vấn đề bảo hộ SHTT trên môi trường mạng.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TTTT cho biết, trước đây, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam còn chưa đầy đủ, sự phối hợp giữa các Bộ liên quan chưa chặt chẽ. Thời gian gần đây, Bộ TTTT đã tích cực tham mưu cho Chính phủ và thực hiện chế tài chặt chẽ nên đã phòng chống được nhiều hơn các vụ việc xâm phạm SHTT trên Internet. Cụ thể, giai đoạn 2012-2014, Bộ đã tiến hành thanh tra và nhắc nhở khoảng hơn 80 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, yêu cầu thực hiện đúng quy định về bản quyền tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được số hóa và được xử lý, lưu trữ, trao đổi, truyền đưa, cung cấp trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.Tuy nhiên, thực tế diễn biến ngày càng phức tạp, “cuộc chiến” chống nạn vi phạm quyền SHTT vẫn tiếp tục cam go và sẽ tiếp tục còn kéo dài.

Thanh tra Bộ đề xuất một số giải pháp như: khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm; kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi bị xâm phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sở hữu trí tuệ, tạo chuyển biến tích cực trong xã hội.

Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TTTT trong lĩnh vực SHTT, nhất là bản quyền phần mềm. Quan trọng hơn cả là phải chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa Bộ TTTT với Bộ VHTT&DL nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong tham luận của mình, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra, Bộ KHCN cho biết, Việt Nam đang ngày càng tăng cường các biện pháp chế tài răn đe cá hành vi vi phạm bảo hộ SHTT thể hiện qua các con số của năm 2014: xử lý 18.330 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT (cao hơn 4000 vụ so với năm 2013), tổng tiền phạt lên tới 73 tỷ đồng, khởi tố 121 vụ với 196 bị can.

Trên môi trường Internet, hiện có 2 loại hành vi chính vi phạm SHTT là cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền và xâm hại quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. TS. Quỳnh nêu rõ 5 khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác thanh tra của Bộ KHCN về xử lý xâm phạm SHTT bao gồm: xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét, đảm bảo căn cứu pháp lý để xử lý xâm phạm; xác định giá trị hàng hóa xâm phạm; quy định của pháp luật chưa hoàn thiện dù đã có nhiều văn bản điều chỉnh; lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý. Để cải thiện tình hình, TS. Quỳnh thông báo, dự kiến trong tháng 5/2015, Bộ KHCN sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (thay thế Thông tư 37/2011/TT-BKHCN năm 2011 của Bộ KHCN). Theo kế hoạch, Bộ KHCN và Bộ TTTT sẽ xây dựng Thông tư liên tịch quy định quy trình xử lý tranh chấp tên miền và dự kiến ban hành cuối năm 2015.

Bà Wu Xinxin, trưởng văn phòng kiểm soát Internet – Tổ chức REACT Châu Á – Thái Bình Dương nêu vấn đề hàng giả mạo khá phổ biến trên Internet do tính chất “ảo” khó xác định nhân thân chính xác của người bán hàng. Tiếp theo, bà Mandi Mai, chủ nhiệm phụ trách đội kiểm soát Internet Châu Á – Thái Bình Dương của REACT chia sẻ cách thức hoạt động và kinh nghiệm trong việc kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm SHTT trên Internet

Cũng trong hội thảo, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và một số công ty có nhãn hàng nổi tiếng như LACOSTE, LONGCHAMP … đã chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm về xử lý tranh chấp tên miền, nhãn hiệu trên môi trường Internet./.

REACT là một tổ chức phi lợi nhuận có trên 20 năm kinh nghiệm chống hàng giả, với 200 thành viên là các công ty, tập đoàn lớn với những nhãn hiệu hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như may mặc, hóa mỹ phẩm, điện tử, truyền thông, CNTT, nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm …

REACT có mạng lưới quốc tế với nhiều văn phòng và đối tác chiến lược tại nhiều quốc gia trên thế giới, hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật tại các nước nhằm chống lại hàng giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thành viên.

                                                                                                                           (Nguồn: REACT)

 

Theo tapchibcvt.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.337.796
Hiện tại 8.458 khách