Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn
Tình hình phát triển lĩnh vực Thông tin và Truyền thông năm 2014
Ngày cập nhật 31/12/2014

Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, cùng với sự năng động, sáng tạo và quyết tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần ổn định giá cả thị trường trong nước, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.  

Đến nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí (trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo in và 507 tạp chí; địa phương có 113 báo in và 132 tạp chí); 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; trong đó có 02 đài quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương; 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài. Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động và thông tin đúng tôn chỉ, mục đích và đúng định hướng. Do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nguồn thu chủ yếu từ thu quảng cáo của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo in, giảm đáng kể; mặt khác do nguồn ngân sách hạn hẹp nên các đơn vị, cơ quan báo chí phải vừa đảm bảo hoạt động chuyên môn chính trị, vừa phải khắc phục khó khăn trang trải chi phí, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ.

Hiện cả nước có 180 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá (tăng 02 kênh so với năm 2013, trong đó 105 kênh truyền hình quảng bá và 75 kênh phát thanh quảng bá); tổng số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép là 40 kênh (tăng gần gấp đôi so với năm 2013); cả nước có 05 đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất và 03 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh; 27 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Số lượng thuê bao truyền hình số mặt đất đạt 7.000.000 thuê bao, tăng gấp đôi so với năm 2013; 973.000 thuê bao truyền hình số vệ tinh và 4.300.000 thuê bao truyền hình cáp. Tổng doanh thu trong lĩnh vực truyền hình ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013; tổng số lao động trong lĩnh vực này là 10.685 người. Diện tích phủ sóng phát thanh đạt trên 95% lãnh thổ; diện tích phủ sóng truyền hình đạt trên 98% diện tích lãnh thổ (với hai phương thức là công nghệ analog và DTH).

Ngành xuất bản vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng phần lớn các nhà xuất bản đã khắc phục, vươn lên, chủ động khai thác nguồn bản thảo trong và ngoài nước, tổ chức có hiệu quả việc huy động nguồn lực trong xã hội nên số đầu sách trong giai đoạn này không giảm. Các nhà xuất bản đã chú trọng xuất bản sách, tài liệu, văn kiện phục vụ cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, văn hoá, an ninh, trật tự, môi trường, chính sách xã hội, ngoại giao, chủ quyền quốc gia,… Toàn quốc có 63 nhà xuất bản; khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó có 145 cơ sở in thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, còn lại là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; hơn 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 117 công ty, đơn vị phát hành sách tỉnh, thành phố, 80 công ty thuộc thành phần kinh tế khác và hơn 13.500 trung tâm, siêu thị sách, nhà sách, hộ kinh doanh, các điểm bán sách trên toàn quốc. Ngành đã xuất bản được hơn 25.000 cuốn sách với trên 361 triệu bản; xuất bản 859 loại văn hóa phẩm với gần 28 triệu bản, trong đó xuất bản trên 210 loại mẫu lịch với 18 triệu bản. Ngành in dự kiến đạt khoảng hơn 1.000 tỉ trang in 13x19cm. Tổng doanh thu toàn ngành xuất bản, in, phát hành ước đạt 2.465,4 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của lĩnh vực xuất bản và phát hành ước đạt 22,3 triệu USD, trong đó nhập khẩu là 18,8 triệu USD; xuất khẩu là 3,5 triệu USD.

Mạng lưới bưu chính tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng được đảm bảo; tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hệ thống bưu chính đã từng bước được mở rộng vùng phục vụ đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. Mạng lưới bưu chính công cộng hiện nay có 12.642 điểm phục vụ bưu chính, trong đó có 2.332 bưu cục (cấp 1, 2, 3), 8.085 điểm Bưu điện - Văn hoá xã, 680 bưu cục phát, 1.545 thùng thư công cộng độc lập, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,82 km/điểm, số dân phục vụ bình quân đạt 7.022 người/điểm; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày. Thị trường dịch vụ bưu chính những năm gần đây đã có sự cạnh tranh khá mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ với số lượng các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng và thành phần doanh nghiệp cũng đa dạng hơn, trong đó có cả các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
 
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet của Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định, thị trường dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục cạnh tranh, lành mạnh. Tính đến nay có khoảng 24 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng; hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Số lượng thuê bao internet băng rộng đạt 11.923.000 thuê bao. Trong đó: Băng rộng cố định đạt 6.980.000 thuê bao, băng rộng di động 3G (Datacard 3G): 4.943.000 thuê bao. Số lượng thuê bao di động đạt 138.630.000 thuê bao. Mặc dù số thuê bao cố định có xu hướng giảm, nhưng do số lượng thuê bao di động phát sinh cước tăng nên tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2014 ước đạt 305.000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào một số thị trường như: Lào, Campuchia, Môdămbích, Peru.

Công nghiệp CNTT tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đã và đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước. Trong điều kiện giảm sút vốn đầu tư nước ngoài FDI và kinh tế khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel... Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, ước tính đạt hơn 27 tỷ USD. Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 350.000 người. Về ứng dụng CNTT, 100% cơ quan nhà nước có Trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT-TT.
 
Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được trong năm 2014:

- Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành (chưa tính công nghiệp CNTT): ước đạt 500.000 tỷ đồng.    

- Tổng nộp ngân sách nhà nước: ước đạt 52.000 tỷ đồng.

- Tỷ lệ thuê bao di động: 140 thuê bao/100 dân.

-  Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định: 7 thuê bao/100 dân.

- Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động: 26 thuê bao/100 dân.

- Tỷ lệ người sử dụng Internet: 41% dân số.

- Tỷ lệ phủ sóng di động: 94%.

- Tỷ lệ số xã có máy điện thoại: 100%.

- Tỷ lệ xã có Điểm Bưu điện-Văn hoá xã: 98%.

- Sản lượng báo xuất bản hàng năm: 1.000 triệu bản.
 
- Mức hưởng thụ báo chí bình quân: trên 14 bản báo/người/năm.

- Tỷ lệ phủ sóng phát thanh: trên 95% diện tích cả nước.

- Tỷ lệ phủ sóng truyền hình: trên 98% diện tích cả nước.
 
 
mic.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.354.431
Hiện tại 1.816 khách