Triển khai các phần mềm dùng chung
Sau khi trung tâm hành chính thành phố chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2014, với hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại, UBND TP Huế đặt quyết tâm sẽ thay đổi phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên, đi kèm là nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin ở UBND TP và các phòng ban ở mức độ cao hơn. Cụ thể là triển khai đồng bộ các phần mềm dùng chung, nâng cao hiệu quả công việc. Đến nay, đã xây dựng hoàn chỉnh mô hình dữ liệu tập trung phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại Trung tâm hành chính thành phố với 42 đơn vị gồm: 27 phường, 11 phòng chuyên môn và 4 đơn vị sự nghiệp (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Ban đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm phát triển cụm công nghiệp TP).
|
Cán bộ, chuyên viên Trung tâm hành chính TP Huế theo dõi qua màn hình hiển thị phần mềm ý kiến chỉ đạo.
|
Từ tháng 5/2014, UBND TP Huế cũng đã triển khai phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn phòng HĐND và UBND TP, phần mềm ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại các phòng ban chuyên môn, UBND các phường và 2 đơn vị sự nghiệp: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Ban đầu tư xây dựng TP. Hầu hết, các đơn vị đã cập nhật và theo dõi công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, UBND thành phố trên phần mềm này. Đối với phần mềm quản lý hồ sơ một cửa, tuy chậm triển khai do nhiều lý do song vào đầu quý IV/2014, UBND TP Huế đã cho vận hành, và chỉ trong hơn 2 tháng hoạt động, gần 2.700 hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống, tạo sự thuận tiện cho người dân đến làm thủ tục cũng như cán bộ lãnh đạo trong theo dõi đôn đốc công việc. Ngoài 3 phần mềm kể trên, từ tháng 7/2014, UBND TP Huế cũng đã triển khai việc đăng ký lịch họp của lãnh đạo HĐND - UBND TP Huế qua phần mềm. Chỉ trong 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 11/2014, đã có 592 giấy mời được phát hành qua hệ thống phần mềm tiện ích này.
Dần xây dựng chính quyền điện tử
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định về tầm quan trọng mang tính quyết định của công nghệ thông tin đối với chính quyền TP hiện nay. Ông Minh cho rằng, dù đã có sự quan tâm nhưng kết quả triển khai ứng dụng CNTT hiện tại vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng bằng chứng là chỉ số ICT của TP Huế so với các huyện trong năm 2013 chưa cao. Để nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng này, UBND TP Huế đã tích cực trong chỉ đạo, điều hành với mục tiêu sẽ tạo ra thay đổi về chất trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin năm 2014: rà soát và liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo về việc triển khai 5 phần mềm dùng chung của tỉnh và việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 2 lớp đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính...
Những nỗ lực triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra những thay đổi tích cực đến công tác quản lý điều hành của bộ phận một cửa và các phòng ban, các đơn vị trực thuộc. Theo ông Hoàng Hải Minh, thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần được nâng tầm ở mức độ cao hơn, ở đây là đạt được mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Sắp tới, UBND TP Huế sẽ triển khai thí điểm dự án phần mềm thông tin và công khai dịch vụ công trên toàn địa bàn. Đây là dự án thí điểm đầu tiên ở phạm vi toàn tỉnh theo mô hình chính quyền điện tử với nhiều tiện ích vượt trội, trong đó nổi bật là tính liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó, tiến tới việc gửi SMS tự động đến điện thoại người dân để thông báo về tình hình giải quyết hồ sơ.
Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin ở Trung tâm hành chính TP Huế và các địa phương, đơn vị ở cơ sở đang đi vào cuộc sống, vào từng công đoạn trong công việc hành chính hàng ngày của mỗi một cán bộ, công chức; góp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và tác nghiệp của cơ quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân, tổ chức... Đây là tiền đề quan trọng để TP Huế sớm tiến đến mục tiêu trở thành chính quyền điện tử vào năm 2015.