Ảm đạm
Nhiều năm qua, những hạn chế, bất cập kiểu “biết rồi… nói mãi” vẫn tồn tại trong ngành xuất bản. Nhiều ý kiến từng ví nhà xuất bản (NXB) là đứa con được cơ quan chủ quản sinh ra nhưng lại bị bỏ rơi. Gần đây, bức tranh của ngành xuất bản không mấy sáng sủa, vẫn còn nhiều hạn chế như cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nghèo nàn lạc hậu; thiếu, yếu về nguồn vốn và nhân lực; nạn in lậu, vi phạm bản quyền tràn lan… Năm 2013, ngành xuất bản trên địa bàn Thừa Thiên Huế xuất bản gần 3.800 đầu sách, gần 200 ngàn bản; trong đó, NXB Thuận Hóa 117 đầu sách, gần 70 ngàn bản; NXB Chính trị Quốc gia và sự thật tại Huế phát hành 3.595 đầu sách, với 47.267 bản và NXB Đại học Huế 140 đầu sách, gần 150 ngàn bản. Tuy nhiên, con số nói trên chỉ bằng khoảng 80% của năm trước.
Bên cạnh số ít cơ quan chủ quản có sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và xây dựng chiến lược phát triển cho NXB, còn nhiều cơ quan chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chưa chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, không sát sao chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến việc NXB liên tiếp có xuất bản phẩm sai bị xử lý, thu hồi. Việc chỉ đạo phối hợp giữa NXB và các đơn vị trong ngành nhiều hạn chế… Kkhông ít cơ quan chủ quản lúng túng, bị động, chưa điều chỉnh được mô hình và cơ chế hoạt động phù hợp với tình hình.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Huế cho biết: “NXB Đại học Huế còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí nên không thể tổ chức được những bản thảo chất lượng. Nạn photocopy diễn ra phức tạp gây không ít khó khăn cho NXB trong quá trình phát hành sách”.
Hiện có nhiều cơ sở photocopy ở khu vực Trường Bia in lậu sách giáo khoa bán công khai. Gần đây, NXB Đại học Huế hợp tác với Trường đại học Ngoại ngữ Huế mua bản quyền ở nước Đức cho xuất bản bộ sách Enghlish Elements (4 tập), giá mỗi cuốn 50.000 đồng. Sau khi xuất bản 1 tháng thì một cơ sở photocopy ở Trường Bia đã photo hàng trăm cuốn sách chuẩn bị bán ra thị trường. Sau khi phát hiện, NXB Đại học Huế báo cho Sở Thông tin &Truyền thông, PA83 (Công an tỉnh) ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm trên.
Cần quy hoạch hệ thống photocopy
Ông Nguyễn Thanh Hà, cho biết: “Để sách có giá mềm đáp ứng nhu cầu của đông đảo sinh viên, hàng năm, NXB tổ chức các buổi họp giữa ban lãnh đạo để hạ giá thành sách. So với giá sách ở thị trường, giá sách của NXB Đại học Huế mềm hơn. Điều chúng tôi trăn trở nhất là nạn photocopy sách tràn lan khiến ngành xuất bản nói chung và NXB Đại học Huế lâm vào khó khăn. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực, ngăn chặn kịp thời vấn nạn in lậu sách”.
Mới đây, trong một hội nghị giao ban xuất bản, in, phát hành, những yếu kém nổi cộm lại được đặt ra gay gắt, mô hình và cơ chế hoạt động của NXB luôn là vấn đề “nóng” nhiều năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước không thể bao cấp tràn lan với tất cả NXB nhưng cũng cần phải có quy hoạch rõ ràng. NXB nào thực hiện nhiệm vụ, NXB nào thiên về kinh doanh. Kinh doanh thì phải cạnh tranh; còn thực hiện nhiệm vụ tuy không thể bao cấp toàn bộ nhưng phải tạo điều kiện để NXB yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Ông Lê Viết Xuân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, vài năm trở lại đây nhiều cuốn sách các NXB chưa phát hành nhưng ngoài thị trường đã có. Sớm ngăn chặn vấn nạn này, Thanh tra sở phối hợp với Công an tỉnh kịp thời xử phạt nghiêm túc các cơ sở in lậu sách giáo khoa. Tuy nhiên, các cơ sở photocopy có sự liên kết nên chưa thể xử lý triệt để trong ngày một ngày hai, đòi hỏi phải có thời gian. Lâu dài, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, chính quyền sở tại để quy hoạch lại hệ thống photocopy. Khi cấp phép cho các cơ sở photocopy phải có sự trao đổi giữa các cơ quan chuyên môn và đơn vị cấp phép kinh doanh. Thực chất, các cơ sở photocopy không những là cơ sở in lậu và nhân bản những tài liệu thông thường, nếu không quản lý chặt thì còn nhiều hệ lụy mà chúng ta không lường trước được.